Thứ Hai, tháng 7 07, 2025

Lớp và tổ học tập những năm đại học của tôi

Kính tặng các anh chị, các bạn lớp KT20A, Đại học Nông nghiệp I

Khi viết theo kí ức 50 năm trước, tôi lại thấy những kỉ niệm ở phòng kí túc xá (KTX) những ngày đầu tiên đại học… Cái nhớ nhất là những con người cụ thể, họ đến từ nhiều vùng miền, mang đến những đồng và dị biệt nhưng đều giản dị và chân thành. Chính vì thế cái nhớ về trường đại học một thời bao giờ cũng bắt đầu từ những người bạn – những người cùng nhau làm nên tình cảm mà tôi gọi là duyên phận sau này.

Phòng ở đơn giản là một dạng tổ học tập và sinh hoạt. Ở đó mọi chuyện có thể nói và mọi tính cách được phô bày không giấu giếm (mà thực ra không thể giấu được). Cái thời của chúng tôi ấy cứ giản dị tự nhiên trưng ra, chỉ có một điều chắc chắn là không có cái ẩn ý nào trong những năm tháng tuổi trẻ vô tư ấy. Giá bảo tôi phải tìm những thứ gọi là xấu xa thì tôi không tìm được vì ở đó chúng tôi không có mâu thuẫn hay xung đột quyền lợi gì – chỉ có chung sự hòa hợp bên nhau vì việc học tập.

Sở dĩ tôi chọn kí ức này viết trước khi nói về các khóa học, ngành học, chương trình đào tạo… vì tất cả các cái khác về một thuở không gian đại học của tôi bao giờ cũng bắt đầu từ đây.

 

Lớp và tổ học tập – một mô hình tập thể sinh viên thời bao cấp

Chúng tôi được “biên chế” vào lớp KT20A – KT có nghĩa là ngành học Kinh tế nông nghiệp, còn 20A là lớp Kinh tế A khóa 20 (ngành Kinh tế nông nghiệp lúc đó có KT20A và KT20B).

Việc chia lớp ban đầu do Ban tuyển sinh hoặc Ban Chủ nhiệm Khoa quyết định, nhưng tôi nghĩ cơ bản được xếp ngẫu nhiên. Đặc điểm của ngành học Kinh tế nông nghiệp[1] các khóa từ 18 đến 22 là có rất nhiều anh chị đi bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành và cán bộ đi học. Lớp tôi có khoảng 60% số bộ đội, rất nhiều người trong số này là thương binh, 20% số cán bộ đã học xong trung cấp và đã đi làm, chỉ có khoảng chưa đến 20% học sinh mới tốt nghiệp phổ thông. Những năm đó nhìn sinh viên đi học trong trường, trong lớp thấy “rặt” một màu quân phục cũ. Ngành kinh tế nông nghiệp từ khóa 18 đến khóa 20 đều có 2 lớp A và B, nghĩa là mỗi khóa có chừng 120 sinh viên trong tổng số khoảng hơn 500 sinh viên toàn trường.

Lớp KT20A có khoảng 60 người[2] (tôi không còn nhớ chính xác) được “biên chế” thành 4 tổ, tương ứng 4 phòng ngủ, mỗi phòng tối đa 14 người. Một phòng nữ ở tầng 3 nhà B1 KTX nữ sinh[3] (tôi không rõ số phòng vì khi đó rất ít khi tôi dám lên chơi, trừ vài trường hợp cắt cơm/ báo cơm). Các nam sinh viên lớp tôi ở tầng 1 KTX A2 năm thứ nhất (1975-1976) có Tổ 1 ở phòng số 9, Tổ 2[4] ở phòng 10 và Tổ 3[5] ở phòng 11. Các thừa thiếu được chỉnh ở các phòng gần đó - có thể ở với lớp khác, khoa khác, nhưng đều cùng khóa 20. Kiểu tổ chức đó cơ bản ổn định từ khi nhập học. Hết năm thứ nhất thì có một số điều chỉnh nhỏ để cân bằng hơn theo mục tiêu thi đua. Nhờ vậy chúng tôi có mặt cùng nhau trong một phòng ở tập thể suốt hơn 4 năm đại học. Ngoài ra, Ban cán sự lớp cũng được cử theo người các tổ. Đầu tiên cử anh Hoàng Nam - Lớp trưởng, Nguyễn Xuân Phong – Bí thư Chi bộ. Sau đó các anh xin thôi nên anh Nguyễn Đăng Hợp được cử Lớp trưởng, Ngô Văn Ly (Tổ 3) Bí thư Chi bộ. Sau năm thứ nhất anh Nguyễn Đình Chình làm Lớp trưởng vì anh Nguyễn Đăng Hợp ngoại trú. Còn Lớp phó sinh hoạt vật chất thì chị Liên, sau đó là chị Thanh. Lớp phó học tập ban đầu thì tôi không nhớ lắm nhưng các năm sau là anh Đỗ Văn Đức.

Cách tổ chức tổ học tập theo phòng KTX có dáng dấp một mô hình tập thể - công xã gắn với nhau trong sinh hoạt và học tập, từ đó gắn với thi đua, giúp đỡ lẫn nhau. Lần điều chỉnh theo các mục tiêu thi đua vào đầu năm thứ hai sau khi biết kết quả thi năm thứ nhất: một số người học khá được điều chỉnh giữa các tổ. Phòng ở là một kiểu làm chủ tập thể để bồi dưỡng phát triển Đảng, kèm cặp, rèn giũa tư cách, phát huy phòng trào nội trú sạch đẹp. Bản thân từng phòng cũng có những cặp được phân công giúp đỡ để cải thiện hơn về sức học tập.

Hạn chế của lối tổ chức này là bị lệ thuộc nhất định vào “nề nếp” được quy định của một số “tấm gương” và sự nể trọng của vài nhân vật. Tuy nhiên không đáng kể lắm mà chủ yếu là phát huy được tinh thần trách nhiệm tập thể, không lơ là công việc được phân công, chăm lo vệ sinh phòng ở. Mọi người đều biết rõ điều kiện gia đình và sức học của nhau để chia sẻ, học hỏi mà không nhiều tự ti, mặc cảm. Mặt khác lại có cơ hội được dùng chung một số tài sản trong những trường hợp cần thiết: mượn xe đạp, đồ dùng, thậm chí giày, quần áo, mũ… rất phù hợp tinh thần làm chủ tập thể, làm chủ bản thân một thời bao cấp “liệt oanh”.

Phòng – Tổ thân mến của tôi

Có thể nói không ngoa rằng một số sinh hoạt trong kiểu sống nhiều năm ở mô hình “Phòng – Tổ” ấy ngoài nghĩa đen là sống – học tập – sinh hoạt thì còn có nghĩa khác kiểu tổ chính trị[6], tổ đạo đức[7], tổ tính cách[8], tổ kết thân tình bạn bè bền vững.

Tổ 1 năm đầu tiên có 15 người. Tôi xin điểm dưới đây theo từng cặp theo 7 giường tầng được kê hết chỗ trong phòng 32m2 (người có tên trước là giường tầng trên). Giường được cho là mát nhất phòng kê ngang cạnh một cửa sổ lớn phía sau (hướng Nam) là Nguyễn Đăng Hợp – Nguyễn Văn Ngọc. Giường kế cạnh (bên trái nhìn từ cửa vào) trên là Nguyễn Đình Chình – Lê Ngọc Lan. Giường phía cửa sau là Ngô Quý Quân – Phan Xuân Lục. Giường cạnh cửa sổ phía trước (hướng Bắc) là Trần Hữu Giang – Chu Văn Khang. Giường (bên trái nhìn từ cửa vào) ngay sát cửa chính là Khuất Cao Nội – Lê Cao Bính. Hai giường giữa (bên phải) là của Âu Dương Đức – Nguyễn Ngọc Minh và Cao Ngọc Đức - Trần Duy Học. Khi mới đến tôi ngủ tạm ở giường Âu Dương Đức (vì hôm đó Âu Dương Đức về nhà, cách trường khoảng 40km). Ít lâu sau anh Hợp ra ở ngoại trú (do xin được phòng ở cơ quan vợ) nên anh Phan Văn Lục ngủ thế chỗ anh Hợp, còn Âu Dương Đức thì hôm nào ở lại ngủ dưới anh Ngô Quý Quân. Tôi được nhường tầng trên cùng giường với anh Nguyễn Ngọc Minh.

Một vài chuyển đổi: Hết năm thứ nhất, căn cứ vào sức học qua kết quả thi cử, theo chủ trương của Chi bộ (hoặc chỉ đạo của khoa) người ta điều chỉnh một số trường hợp giữa các tổ. Tổ 1 chuyển đi 2 người học khá là Nguyễn Văn Ngọc sang Tổ 2, Cao Ngọc Đức sang Tổ 3. Số chuyển đến là các anh Kông Phương Kình, Nguyễn Xuân Trí, Phùng Đức Thoại. Năm thứ ba có một trường hợp là anh Tuấn (tục gọi là Tuấn Nhái[9]) chuyển từ khóa 19 xuống phòng Tổ 1 khi chúng tôi ở nhà B3.

Anh Hợp[10] thì ngoại trú hoàn toàn, còn Âu Dương Đức thì thường xuyên đi về nhà nên cũng coi như “bán ngoại trú”. Các cặp giường tầng từ năm thứ 2 cũng có khác: Phùng Đức Thoại – Trần Duy Học, Lê Hữu Ảnh – Chu Văn Khang, Ngô Quý Quân – Kông Phương Kình, Nguyễn Xuân Trí – Lê Cao Bính…

Các đặc điểm những người trong tổ (tính cả số có trước và sau điều chỉnh tổ)

-      Có 6 anh là bộ đội xuất ngũ, chuyển ngành: Phan Xuân Lục[11], Chu Văn Khang, Khuất Cao Nội, Trần Duy Học, Ngô Quý Quân, Nguyễn Ngọc Minh, Kông Phương Kình, Phùng Đức Thoại, trong số đó có 4 thương binh là Chu Văn Khang, Trần Duy Học, Nguyễn Ngọc Minh, Kông Phương Kình.

-      Có 3 anh là cán bộ đi học (đã tốt nghiệp trung cấp): Nguyễn Đăng Hợp[12], Nguyễn Văn Ngọc[13], Lê Xuân Trí[14]

-      Có anh đã công tác ở địa phương: Nguyễn Đình Chình[15].

-      Các anh là Đảng viên: Nguyễn Đăng Hợp, Chu Văn Khang, Nguyễn Đình Chình, Kông Phương Kình…

-      Số anh em trẻ mới tốt nghiệp[16]: Trần Hữu Giang, Lê Cao Bính, Lê Hữu Ảnh, Âu Dương Đức, Lê Ngọc Lan, Cao Ngọc Đức.

-      Số anh em vào đại học từ lớp dự bị đại học: Nguyễn Đăng Hợp, Cao Ngọc Đức. Số anh em bộ đội vào đại học từ các lớp văn hóa quân khu[17]: Chu Văn Khang, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Duy Học, Phùng Đức Thoại, Ngô Quý Quân.

-      Số anh em đi bộ đội từ các khóa trước về học: Khuất Cao Nội[18] và Kông Phương Kình.

-      Số đủ điểm đi học nước ngoài nhưng vì lí do gì đó không được cử đi hoặc từ chối không đi: Nguyễn Đăng Hợp[19], Trần Hữu Giang[20]. Số “đỗ vớt” gọi lần 2: Lê Cao Bính và Lê Hữu Ảnh.

-      Về quê quán: Nghệ Tĩnh có Lê Cao Bính, Phan Xuân Lục, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Xuân Trí; Thanh Hóa có Chu Văn Khang, Lê Hữu Ảnh, Lê Ngọc Lan; Hà Bắc có Nguyễn Đăng Hợp, Âu Dương Đức; Thái Bình có Ngô Quý Quân và Trần Hữu Giang; Hải Dương có Trần Duy Học, Nguyễn Đình Chình; Vĩnh Phú có Cao Ngọc Đức, Phùng Đức Thoại; Quảng Ninh có Nguyễn Ngọc Minh; Hà Tây có Khuất Cao Nội, Hà Nội có Kông Phương Kình. 

Tổ 1 của tôi là tổ có nhiều học sinh phổ thông nhất và cũng là tổ được coi là có nhiều người học khá (chủ yếu là anh em trẻ). Tuy nhiên, một số anh em trẻ năm đầu học được nhưng sau tôi thấy tự nhiên không khá nữa mà chỉ làng nhàng để không phải thi lại môn học. Chi tiết này rất đáng nhớ và quan trọng vì liên quan đến những gì mà chúng tôi biết sau khi ra trường – họ là những người biết nhận ra rất sớm cái gì cần giỏi ngay từ sau khi học những môn đại học đầu tiên!

Tôi phải liệt kê chi tiết một chút vì đến nay nhiều người cũng không còn nhớ nổi anh em trong tổ và ngay cả một số chi tiết của phòng cũng láng máng nhớ quên ở tuổi U80 và U70. Trừ hai anh Nguyễn Đình Chình và Nguyễn Ngọc Minh chúng tôi chưa từng gặp lại, còn phần lớn các anh đều đã gặp nhiều lần, nay một số anh em vẫn còn thường xuyên liên lạc với nhau.

Thêm một điểm đặc biệt là trong số này có Cao Ngọc Đức, Lê Hữu Ảnh, Lê Ngọc Lan, Lê Cao Bính, Trần Hữu Giang, Âu Dương Đức sau tốt nghiệp 1980 lại gia nhập quân đội. Đó chính là cả 6 anh em trẻ nhất. Khi vào quân đội, 6 anh em chúng tôi được phân công đi các Quân khu phía Nam (QK5, QK7 và QK9) và xuất ngũ những năm 1984-1985. Chúng tôi có thêm một quãng đời bên nhau với nhiều kỉ niệm mà tôi đã ghi chép trong “Thời cuộc và duyên phận” ở blog[21] của tôi.

Các lần chuyển kí túc xá của các tổ nam và các nhóm chung niêu cơm sáng

Năm thứ nhất KT20A ở tầng 1 nhà A2 (phòng 9, 10 và 11), năm thứ 2 ở các phòng 14, 15 và 16 tầng 2 nhà A1 (khi đó tầng 3 là lưu học sinh Lào), năm thứ 3 chuyển về các phòng 1, 2 và 3 tầng 3 nhà B3, năm cuối lại chuyển về A1 ở tầng 3 các phòng từ 13, 14 và 15. Lúc này KTX cho sinh viên Lào đã được xây ra khu riêng thành khu sinh viên quốc tế.

Mỗi lần chuyển đổi phòng là những hư hại nghiêm trọng của phòng ở: nhiều lát giường bị phá, nhiều ô cửa chớp con bị mất… Việc quản lý những năm sau rất kém nên vệ sinh và ăn ở khá tệ, khó kiểm soát. Từ cuối năm thứ nhất bắt đầu có chuyện sinh viên đem bếp dầu nấu ăn thêm buổi sáng, sau đó kiếm củi, nhặt lá nấu trên sân thượng... Mỗi lần di chuyển thì các thanh lát giường, ô cửa cũ thường bị lợi dụng làm củi.

Việc ăn sáng có tính tùy điều kiện. Sau kì nghỉ Tết hoặc nghỉ hè thì mang theo được chút lương thực. Mấy anh có phụ cấp hoặc có lương như cán bộ đi học, chuyển ngành… thì có chút tiền tiêu, còn học sinh phổ thông thì phần lớn được các anh có điều kiện hỗ trợ. Các nhóm có nhiều thời gian duy trì tổ chức ăn sáng là Lê Hữu Ảnh – Chu Văn Khang, Trần Hữu Giang – Kông Phương Kình – Ngô Quý Quân, Lê Cao Bính – Nguyễn Văn Ngọc – Phan Xuân Lục, Nguyễn Đức Thoại – Trần Duy Học,…

 

CLB cán bộ và các KTX A2, A1 và B3

Một số chuyện đáng nhớ trong khu KTX nam

Nhà A2 năm thứ nhất

Hồi đầu tiên ở nhà A2 không có nhiều chuyện đáng nói vì những 1975 và đầu 1976 bếp ăn tập thể khá tốt, luôn có thịt cá thực phẩm ngon cho mỗi bữa ăn. Tiêu chuẩn lương thực sinh viên 17kg/tháng có lẽ cũng không bị hao bớt nên cơm và bánh mỳ là những khẩu phần rất cơ bản. Việc kiểm soát trong KTX được tuân thủ tốt nên ít xảy ra nấu nướng. Chỉ có chuyện dùng dây may-xo đun nước bằng điện là phổ biến vì phần nước uống chia cho mỗi phòng không đủ, nhất là màu hè.

Hồi này có chuyện tham gia văn nghệ và có cả buổi hội diễn cuối 1976 để Kỉ niệm 20 năm Thành lập trường. Lớp KT20A chọn đồng ca nam nữ bài “Đêm Cha lo”. Hôm biểu diễn thì tất cả đều mang quân phục. Trong Tổ 1 có anh Khang và anh Lan tham gia nhóm đồng ca. Trong phòng có anh Khang hát khỏe nên mỗi khi phòng mất điện[22] là được nghe anh ca nhiều bài như Nắng tỏa chiều nay, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Người ơi người ở đừng về… nhưng khi có điện thì dừng ngay hát hò để mọi người còn dành thời gian ôn bài.

Khi ở A2 có phong trào tập thể dục buổi sáng: cứ 5.00am là một số anh em chạy ra sân vận động. Khi đó người chạy rất đông nên phải chạy theo một chiều thì mới không va vào nhau. Ảnh, Giang… cũng tích cực tham gia chạy được mấy tháng mùa Xuân. Vì năm thứ nhất phải học môn thể dục điền kinh, khi kiểm tra phải đạt các tiêu chuẩn 15 giây khi chạy 100m nên nhiều người lo lắng, nhất là những người sức khỏe yếu như tôi.

Trong phòng có anh Học vui chuyện hay trêu anh Nội hiền lành. Anh Nội thì ít nói, khi bị trêu chỉ cười, con anh Học thì hay bắt chước cử chỉ anh Nội để chọc vui, nhất là kiểu ngủ, giọng ngáy. Anh Học hút thuốc lào hay đáo để: hễ hút là say nên khi chuẩn bị ngủ thì anh mắc màn trước, thò đầu ra rít một điếu - thế là lăn kềnh ra – cơn say rơi ngay vào giấc ngủ!

Nhà A1 năm thứ 2

Khi chuyển về ở KTX A1 thì điều kiện ăn bắt đầu khó khăn, điện nước thường xuyên bị cắt. Lúc đó chúng tôi ở tầng 2, bên tầng trên có các bạn lưu học sinh Lào. Các bạn Lào có người chưa sõi tiếng Việt nhưng họ đều nói được tiếng Pháp. Nhiều anh trẻ, trắng trẻo, đẹp trai, giỏi thể thao, văn nghệ. Ban đầu họ được cấp xe đạp, sau đó một số có xe máy. Hôm Tết Lào các anh ấy mời chúng tôi lên phòng, được vẩy nước thơm, được xem múa lăm-vông, ăn kẹo… Chúng tôi thấy họ giàu có, lịch sự, ăn mặc đẹp hơn chúng tôi rất nhiều.

Khi ở nhà A1, tôi còn nhớ trận bão lớn 1977 đổ cây trước nhà A1 ngổn ngang, toàn những cây xà cừ to. Bão còn làm đổ cả tường đang xây những lớp học tạm loại nhà cấp 4 trước nhà A1. Hồi đó thỉnh thoảng thầy Phan Trọng Đĩnh - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Nông nghiệp xuống nói chuyện thời sự ngay trên sân thượng vào những đêm mất điện, trời mát. Thầy nói kiểu tuyên huấn rất hay, thường từ 7.30 cho đến khi có điện chừng 8.30pm.

Vào năm 1978, trước tình hình người Hoa gây vụ “nạn kiều” và đất nước bị đe dọa chiến tranh biên giới, Khoa Kinh tế có tổ chức các buổi tập thể dục bằng 24 động tác võ dân tộc. Anh Trang KT19 hướng dẫn tập được một số tháng trên tầng thượng nhà A1. Những động tác này được tập kiểu biểu diễn khá đồng đều, đẹp mắt.

Nhà B3 năm thứ 3

Hồi ở B3 thì bắt đầu những năm khó khăn về kinh tế và chính trị từ chuyện người Hoa về nước và sau đó là chiến tranh biên giới 17-2-1979. Khi đó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phan Trọng Đĩnh[23] phát động phong trào “quê hương nội trú” và dành hẳn sự thực hành ở KTX B3 cho toàn khoa Kinh tế. Chúng tôi được tổ chức hàng sáng xuống tập thể dục, đi ăn theo kiểu xếp hàng của quân đội…

Năm ở B3 chúng tôi có đợt đi thực tập Mộc Châu 8 tuần (tôi sẽ ghi chép kĩ ở phần chương trình đào tạo). Chúng tôi còn nhớ khi đang ở Mộc Châu thì 7-1-1979 có sự kiện thành lập Nhà nước Campuchia do Hunxen lãnh đạo[24].

Hồi ở nhà B3, còn một việc đáng nhớ nữa là gần như cả phòng đều biết đi xe máy. Âu Dương Đức khi đó có xe máy Honda Cub50, khi ở lại thì phải nhờ người khiêng lên tầng 3. Mấy anh em trẻ mỗi lần khiêng được quyền đi một vòng quanh khu KTX. Được cưỡi xe máy chạy vè vè phụt khói trắng qua khu nhà B4 (là nhà nữ sinh), có rất nhiều người đứng trên tầng nhìn theo, oai phết!

Năm ở B3 còn có chuyện anh Trương Quốc Vinh có dấu hiệu bệnh tâm thần phải đưa đi bệnh viện. Câu chuyện này cũng rộ lên một thời chuyện anh thích chui vào ở phòng xép cầu thang tối tăm và có những câu nói mơ hồ, khó hiểu…

Nhà A1 năm thứ 4

Vào năm thứ 4, sinh viên lớp cuối khóa chúng tôi chỉ ở thời gian ngắn trước và sau khi đi thực tập tốt nghiệp, rồi chờ báo cáo tốt nghiệp ra trường. Đi thực tập tốt nghiệp về - sau Tết 1980 – chúng tôi có trò trèo ra ban công phía sau tầng 3 nấu ăn. Không biết ai đều têu trò này: tay bám vào cửa sổ đu ra sau rồi nhảy xuống ban công. Ban công dài khoảng 1,5m nhưng rộng chỉ 80cm, cách mặt đất độ 8m. Thế mà ai cũng làm được – thật là trò kinh khủng. Cho đến nay tôi vẫn còn cảm giác ghê ghê khi nghĩ về mỗi lần đu xuống: tay bám vào các thanh chớp cửa sổ đã rất cũ, chân khuơ trên khoảng không sát ban công rồi buông tay rơi xuống. Sau này kiếm được mấy cái ghế ọp ẹp để sẵn ngoài ban công làm chỗ đặt chân bước xuống cho bị đỡ thả rơi. Hú vía suốt cả thời gian năm cuối lửa đỏ rực các bữa sáng ngoài ban công mà trộm vía không ai bị ngã rơi xuống tầng 1!

Lại còn chuyện khi thi tốt nghiệp xong thì phải học chính trị cuối khóa. Lúc này coi như chơi hoàn toàn. Anh Học dạy mọi người món vẽ truyền thần (anh Học còn có nghề sửa đồng hồ nhưng không dạy được vì không có đồ thực hành). Mọi người lấy muội đèn, than bếp trộn với bột đen mài từ mực tàu làm sơn, bút lông và bút chì tự kiếm. Lấy một tấm ảnh cũ ra, kẻ ô vuông lên ảnh rồi từ đó nhìn mà phóng ra ô vuông trên giấy vẽ (giấy vẽ là các tờ A0 hỏng khi kẻ các bảng biểu báo cáo tốt nghiệp). Tôi vẫn còn giữ được một tấm hình hồi đó khi vẽ một ảnh cũ. Giang vẽ truyền thần được nhất vì thế Phan Xuân Lục nhờ vẽ ông bố của anh. Giang vẽ xong đưa anh Lục cứ thấy anh cầm bản truyền thần tần ngần ngắm nghía, mãi sau nói: “Mày giỏi thật, vẽ cha tao mà rất giống chú tao!”

Chuyện tiếu lâm – “đặc sản” không thể thiếu trong những đêm KTX

Hồi đầu ở KTX, buổi tối đến thì mọi người phần lớn quan tâm đến học hành, rất ít đi chơi bên ngoài. Hai năm đầu quanh trường còn không có quán cóc bán nước trà, bánh kẹo, mà phải đi bộ ra tận Trâu Quỳ gần 2km mới có. Mọi người chỉ đi dạo quanh các hồ hay sân vận động một chút rồi về phòng học bài. Hôm nào mất điện thì tha hồ tiếu lâm đủ loại. Các anh trong Tổ 1 đã có vợ là Chu Văn Khang, Ngô Quý Quân, Phan Xuân Lục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đình Chình và Nguyễn Đăng Hợp (sau này có thêm anh Lê Xuân Trí) thì 2 anh Khang và Quân có nhiều chuyện nhất. Mấy anh em trẻ chưa vợ rất thích nghe kể. Anh Khang thì các chuyện kiểu như đã nghe trong quân đội, còn chuyện anh Quân thì kể như từ chuyện của “nhà mình” mà ra, nhất là chuyện mỗi khi về quê là “như máy khâu”chẳng hạn. Anh Lục thì kiểu chuyện “đơn vị tớ ấy à” – một loại chuyện vừa như bịa đặt, vừa như phóng đại. Ví dụ ai hỏi anh Lục biết ga Phú Thái không thì anh nói: “tớ đã ị ở đấy mấy tạ chất thải rồi”. Hồi đầu, khi anh Hợp chưa ra ngoại trú cũng góp nhiều chuyện đáng kể để đời như “chuyện con nai”, chuyện trại ngựa… Anh Ngọc thì có những chuyện về tình yêu rất “ướt át” của anh A, chị B – như thực tế các bạn bè của anh. Riêng anh Chình và sau này anh Trí thì kín đáo, nghiêm túc không có tham gia vào những thứ “vớ vẩn tiếu lâm” làm hư bọn chưa vợ. Anh Khang đi bộ đội nhiều năm bên chiến trường K giỏi nói tiếng Campuchia nên còn kể nhiều chuyện tiếng Khomer kiểu “Việt Nam – Campuchia: Xammakhia[25] –  Si bùhóc[26] - SócsờBai[27] - Tầmnghẹ[28]…” (Việt Nam với Campuchia: đoàn kết, cùng ăn mắm cá, bình an, yêu thương…). Mỗi khi có anh Kì (anh Khang gọi là thằng Thổ Nhĩ Kì) quê Thanh Hóa lớp KT20B sang chơi thì hai anh tha hồ xổ tiếng Miên với nhau. Từ hồi anh Thoại chuyển sang tổ 1 thì cả phòng có 2 anh đang có người yêu: Lê Ngọc Lan yêu chị Dính ở quê, anh Thoại yêu chị Thanh lớp KT18. Anh Lan chắc có lẽ yêu nhau kiểu kín đáo nên ít chuyện, nhưng anh Thoại thì cứ thứ 7 đi chơi về là kể chuyện hôn nhau, đấu lưỡi… khiến bọn trẻ tò mò lắm.

Có khi chuyện tiếu lâm đang cao trào thì bỗng có điện – thế là mọi người im lặng, bắt đầu trò câu dây may-xo điện đun nước uống và học bài…

Mà tôi nghĩ sau này có lẽ một số người trong chúng tôi cũng bị ảnh hưởng những câu chuyện của các anh trong quá trình trải nghiệm cuộc sống sau này.

Chuyện thuộc địa chỉ từng người trong phòng

Mỗi tối mất điện, phòng còn có trò nhớ địa chỉ quê quán của từng người. Cho đến nay tôi, Giang, Cao Đức và Bính vẫn còn thuộc làu tên thôn, xã, huyện, tỉnh của nhiều người trong phòng. Ví dụ: Âu Dương Đức: Thôn Lớ, Cao Đức, Gia Lương, Hà Bắc. Nguyễn Ngọc Minh: Khu 4 Suối Sâu, Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh; Giang: Hồng Hà, Hưng Hà, Thái Bình. Lan: Thái Hòa, Triệu Sơn Thanh Hóa; Cao Ngọc Đức: Bản Nguyên, Lâm Thao, Vĩnh Phú… Kình: Phú Gia, Phú Thượng Từ Liêm Hà Nội… 

Kiểu này bọn trẻ ngày nay cho là các cụ thời ấy không có chuyện gì để nhớ - giá có cái trò chơi khác để nhớ thì hay hơn nhiều… Thì ngớ ngẩn một thời của chúng tôi, sao có được lối sống lệ thuộc vào công nghệ của các bạn trẻ ngày nay!

 

*

*  *

Bây giờ nghĩ lại thời đó là khôn hay dại nhỉ? Mà khôn là gì mà dại là gì? Cũng đã qua gần 50 năm rồi, có quan trọng gì đâu chứ! Cái chính là kiểu sống đó mà chúng tôi đã bên nhau sau 50 năm vẫn còn tràn đầy “cảm nhớ vương tình”!

 

 

 



[1] Một số ngành khác cũng nhiều bộ đội chuyển ngành, xuất ngũ nhưng khi đó có chủ trương ưu tiên bộ đội học ngành Kinh tế nông nghiệp nên số lượng đông hơn hẳn các ngành khác trong trường.

[2] Như tôi liệt kê tên theo tổ thì có 56 người từ ban đầu. Sau này có thêm anh Tường, anh Tuấn (nhái) và chị Nguyên từ khóa 19 chuyển xuống.

[4] Tổ 2 gồm Mai Thế Lương, Nguyễn Đình Chiến, Phạm Trọng Tuệ, Nguyễn Đức Trí, Nguyễn Văn Điến, Nguyễn Văn Trung, Phạm Xuân Phong, Vũ Đình Hòe, Lê Xuân Trí, Phùng Đức Thoại, Kông Phương Kình, Nguyễn Văn Tới, Chử Tiến Hành, Lê Viết Phán.

[5] Tổ 3 gồm Hoàng Việt Cường, Phạm Trọng Lỳ, Cao Văn Hường, Mai Quỳnh Quốc, Hoàng Hữu Đài, Trần Văn Thành, Ngô Văn Ly, Đỗ Văn Đức, Trương Quốc Vinh, Trần Gia Lộc, Nguyễn Các Mác, Nguyễn Lâm Việt, Hoàng Nam, Mai Quỳnh Quốc.

[6] Khi đó có sự phân công giúp đỡ những người đối tượng Đảng.

[7] Các anh lớn tuổi đều là những tấm gương sống, giúp đỡ nhau vô tư, thân ái

[8] Xuất hiện những cách sống riêng trong các tổ - phụ thuộc nhiều vào các anh lớn tuổi. Ví dụ Tổ 1 nhiều năm đặt báo Tiền phong, cứ thứ 3 là phải ra Bưu điện Trâu Quỳ lấy báo về đọc cho cả phòng.

[9] Vì chỉ ở một thời gian nên sau này chúng tôi không rõ anh Tuấn đi đâu.

[10] (Trộm vía), những người có tên trên thuộc tổ 1 cho đến nay vẫn đang sống và cơ bản vẫn còn liên lạc (trừ anh Minh và anh Chình), nhưng tôi được tin các anh vẫn còn khỏe.

[11] Anh Lục là sĩ quan, có lẽ là người lớn tuổi nhất, hơn 30 tuổi.

[12] Anh Hợp trước học Trung cấp Nông nghiệp, trước khi về học đã là Trại trưởng trại ngựa ở tỉnh Lai Châu.

[13] Anh Ngọc học Trung cấp Thống kê ở Hà Bắc, công tác ở bộ phận Thống kê tỉnh Lai Châu

[14] Anh Lê Xuân Trí tốt nghiệp trung cấp Chèm (?) đã công tác ở Viện nào đó phía Cầu Giấy

[15] Anh Chình đã công tác địa phương, một dạng cán bộ trong HTX (?)

[16] Tuy mới tốt nghiệp nhưng đa số ở nhà 1 vài năm, số tuổi chênh lệch (sinh khoảng từ 1953-1957)

[17] Hồi đó, nhiều quân khu tổ chức ôn thi cho các anh em “đặc cách” tốt nghiệp cấp 3 đi bộ đội. Số này vào đại học khóa 20 rất đông nên các anh có nhiều người quen học ở các khoa khác.

[18] Anh Nội là sinh viên Khóa 14, trong lá cờ kí tên các anh lên đường đi chiến đấu ở Phòng Truyền thống trường Đại học Nông nghiệp I vẫn còn chữ kí và tên anh Nội.

[19] Anh Hợp trúng tuyển đi học Cuba, nhưng do hoàn cảnh gia đình nên anh xin không đi.

[20] Giang đủ điểm học Bulgari nhưng có vấn đề về người thân ở nước ngoài nên không được cử đi

[21] Xem nhiều bài liên quan đến những người trong lớp tại https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/ 

[22] Bắt đầu từ hè 1976 là có chuyện điện thường xuyên bị cắt giờ cao điểm nên đêm cứ khoảng 9pm mới có. Nhiều hôm có điện là trùng với giờ thời sự 9.30pm. 

[23] Sau này tôi được biết Thầy Phan Trọng Đĩnh vốn là đại úy quân đội được tăng cường cho Trường đại học Nông nghiệp I đầu những năm 1960s để ngăn cản phong trào “nhân văn giai phẩm” và chống chủ nghĩa xét lại. Sau này Thầy học tại chức khoa kinh tế và được cử làm Chủ nhiệm khoa Kinh tế nông nghiệp nhiều năm.

[24] Hun Sen đã thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, một lực lượng vũ trang được sự hỗ trợ của quân đội Việt Nam, và đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ vào ngày 7 tháng 1 năm 1979. 

[25] Tiếng Khmer có nghĩa là "đoàn kết"

[26] Si: ăn, bù hóc (hoặc pro hoc) một loại mắm cá

[27] Sóc sờBai nghĩa là "Bình an, vui vẻ"

[28] Tiếng Khmer (Campuchia) có nghĩa là "người yêu" hoặc "người thương”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét