Thế là tôi được học một trường đại học danh giá tại
Thủ đô Việt Nam. Tôi gọi danh giá vì khi đó đang có 4 trường đại học nông nghiệp
trong cả nước: Nông nghiệp I (Hà Nội), Nông nghiệp II (Hà Bắc), Nông nghiệp III
(Bắc Thái) và Nông nghiệp Thủ Đức. Do đặc điểm nông nghiệp có những khác biệt
vùng miền nhất định cho nên người ta có ý định coi Nông nghiệp I là cơ sở đào tạo
nhân lực nông nghiệp cho Đồng bằng sông Hồng, Nông nghiệp II cho các tỉnh miền
Trung, Nông nghiệp III cho các tỉnh miền núi còn Nông nghiệp Thủ Đức (được coi như
Nông nghiệp IV) cho các tỉnh miền Nam. Tôi quê ở miền Trung thì đáng ra phải được
đào tạo tại Nông nghiệp II, thế mà lại được học tại Nông nghiệp I ở chính Thủ
đô Việt Nam – quá vinh dự còn gì?
Hồi đó đi học nhưng nói chung rất lơ mơ về nhà trường
đại học của mình. Những năm đầu đi học thậm chí còn không có ý niệm về vị thế của
nhà trường. Đấy là những ấu trĩ về nhận thức nói chung. Khi đó đối với tôi (và
với nhiều người khác tôi cũng nhận ra như thế) được đi học đại học để có cơ hội
thoát li nông thôn và quan trọng hơn cả là cơ hội biên chế nhà nước. Thật
ra bản thân tôi không có ý niệm cân nhắc đầy đủ khi lựa chọn nơi học, ngành học
chứ chưa nói gì đến những vấn đề lớn lao hơn như sở trường, mong ước nghề nghiệp,
định hướng cống hiến, mơ ước khám phá… Nay thấy mình được vào đại học, được
nuôi học để sau này có việc làm nhà nước, thế là đủ!
Phải sau này tôi mới dần dần biết thêm được những điểm
cơ bản về ngôi trường của mình. Nhưng đó là nhiều năm sau vì thời ấy
thông tin có hạn, cả quá trình dạy và học người ta cũng không có truyền thông
phổ biến. Cho nên những gì tôi viết dưới đây không phải là tất cả những gì tôi
biết khi mới vào trường. Và cũng rất có thể đến năm nay, tức là sau 50 năm vào
trường, nhiều người lớp KT20A của tôi cũng có thể chưa từng biết.
Trường Đại học Nông nghiệp I được xây dựng trên đất Đồn
điền Marty
Trường Đại học Nông nghiệp I hồi chúng tôi học có diện tích trên 200ha, hiện nay còn 192ha vì đã chuyển cho một số đơn vị khác (thuộc Bộ Nông nghiệp và địa phương) nhưng vẫn được coi là trường đại học có không gian lớn nhất Việt Nam (nay thì thua Đại học Quốc gia Hà Nội). Trường được xây dựng trên đất đai trước đây thuộc đồn điền Marty của Pháp – nghe nói chủ yếu trồng bông vải. Đồn điền Marty do người Pháp xây dựng từ cuối Thế kỉ 19 khi quân Pháp dập được cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892)[1] đã chiếm đất khu này làm đồn điền. Dân cư ở các thôn quanh trường như Chính Trung, An Đào, An Lạc, Kiên Thành, Cửu Việt thuộc Trâu Quỳ[2] vốn đều là dân ngụ cư[3] làm thuê cho đồn điền nên các thôn này là thôn mới hình thành – không có đình, chùa, miếu… như các làng cổ kiểu Bắc bộ ở các địa phương lân cận.
Trường Đại học Nông nghiệp I được Liên Xô thiết kế và
xây dựng – nhưng bỏ dở do “chủ nghĩ xét lại”
Cơ sở vật chất của Trường Đại học Nông nghiệp I được
Liên Xô xây dựng từ những năm 1955-1958. Trước đó Trường đóng ở huyện Thanh Trì.
Từ học kì 1959-1960[4] chuyển về cơ sở mới này ở Trâu
Quỳ, Gia Lâm. Theo mô hình đại học của Liên Xô thời đó, đến năm 1959, người ta đã
xây dựng hoàn chỉnh một ngôi nhà lớn 4 tầng làm nơi làm việc của Ban Giám hiệu,
các Khoa và các bộ môn. Khu ở của cán bộ trường gồm 2 nhà ở tập thể (gọi là A1,
A2[5])
và một nhà ăn tập thể. Khu sinh viên có 6 nhà kí túc xá sinh viên (A1, A2, B1,
B2, B3, B4)[6] và nhà ăn sinh viên kiêm lễ
đài cho các cuộc mít tinh trước quảng trường sinh viên. Có một câu lạc bộ dành
cho cán bộ và một câu lạc bộ cho sinh viên. Các công trình khác gồm một Bệnh xá,
một Bệnh viện Thú y, một sân vận động có kích thước chuẩn của khu thể thao
ngoài trời. Ngoài ra còn thiết kế các khu chăn nuôi gia súc, các cánh đồng thí
nghiệm cây trồng, các khu thực hành sản xuất nông nghiệp, thực hành máy móc cơ điện,
công trình điện, nước sinh hoạt…
![]() |
Nhà Hành chính do Liên Xô xây dựng từ 1955-1958 - đã cải tạo lại năm 2000 |
Có thể nói mô hình này rất lí tưởng về một cơ sở đào
tạo cấp đại học cho nông nghiệp mà ngày nay nhiều nước cũng khó có được: diện tích
đủ lớn, không gian đẹp, đủ tiện ích cần thiết, tính kết nối thuận tiện… ngay tại
ngoại thành Thủ đô.
Về thiết kế không gian, người ta lấy 4 hồ bán nguyệt
làm trung tâm. Nhà Hành chính đối diện qua 4 hồ là khu thể thao ngoài trời. Hai
câu lạc bộ hướng vào góc khu 4 hồ. Khu kí túc xá được xây khá chuẩn đối xứng - Nhà
ăn tập thể làm trung tâm, nhà B1 đối xứng B4 là kiểu kí túc xá 16 phòng, B2 và
B3 đối xứng kiểu kí túc xá 8 phòng. Các kí túc xá khu A (gồm A1, A2, A3) cân đối
với các kí túc xá khu B…
![]() |
Không gian 4 hồ nhìn lên phía Nhà Hành chính |
Trường Đại học Nông nghiệp thành lập ngày
12-10-1956, là một trong 3 trường Đại học đầu tiên của nước “Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà” được thành lập sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc. Khi mới thành lập,
Trường trực thuộc Bộ Nông Lâm, có 3 khoa với 4 chuyên ngành đào tạo: Khoa
Nông học gồm hai ngành: trồng trọt và cơ khí hóa nông nghiệp; Khoa Chăn
nuôi Thú y có ngành Chăn nuôi - Thú y; Khoa Lâm học có ngành Lâm học.
Trong quá trình phát triển, Đại học Nông nghiệp I đã
giúp đỡ để xây dựng Đại học Lâm nghiệp (1965), Đại học Thủy sản (1966), Đại học
Nông nghiệp II (1967) và Đại học Nông nghiệp III (1970) cũng như nhiều viện
nghiên cứu lớn của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp sau này.[7]
Trường Đại học Nông nghiệp I có nhiều nhà khoa học
giỏi đến làm việc và là nơi đào tạo nhiều cán bộ lãnh đạo
Đây là nơi có điều kiện tốt để nhiều nhà khoa học giỏi
đến làm việc. Điển hình là các vị như Lương Đình Của, Nguyễn Văn Chiển[8], Lê Văn Căn, Bùi Huy
Đáp, Lê Duy Thước… Cũng tại đây nhiều cán bộ nhà trường trở thành các chính
khách như Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực[9],
Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Nhiều cựu sinh viên của trường trở thành
các Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, bí thư-chủ tịch các tỉnh, thành phố.
Trường Đại học Nông nghiệp I nay là Học viện Nông
nghiệp Việt Nam
Qua nhiều lần đổi tên gọi, từ Học viện Nông Lâm ban đầu
đến nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1956 đến nay, trường đã có 70
khóa đào tạo. Tính đến cuối năm học 2024 đã đào tạo được hơn 120.000 kỹ sư và cử
nhân, Khoảng 15.000 thạc sĩ và khoảng trên 600 tiến sĩ.
Từ thành tích đào tại nhiều năm, đến nay Học viện đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương Lao động các hạng, và Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
![]() |
Không gian trong trường có xe bus |
[2] Trong 6 thôn của xã Trâu Quỳ thì chỉ có thôn Bình Minh
(ở bên kia đường 5) là thôn có đình, chùa, miếu.
[3] Rất nhiều người dân đến làm thuê cho đồn điền có gốc từ
Ninh Bình, Nam Định định cư ở 5 thôn này.
[4] Xem thêm tại https://vnua.edu.vn/gioi-thieu/xay-dung-va-phat-trien
[5] Sau này người ta xây thêm nhà A3 khoảng những năm đầu
1960s
[6] Sau này người ta xây thêm nhà A3 kí túc xá sinh viên khoảng
những năm đầu 1960s
[8] Có tham gia giảng dạy đại học nông lâm, xem thêm tại https://vnu.edu.vn/gsngnd-nguyen-van-chien--nguoi-dat-nen-mong-cho-nganh-dia-chat-viet-nam-post6831.html
Cảm ơn tác giả đã có bài viết để mọi người biết rõ thêm và tự hào hơn về nơi mình đã từng học đại hoc...
Trả lờiXóa