Chủ Nhật, tháng 7 20, 2025

Đại học Nông nghiệp I đào tạo kĩ sư kinh tế thời chúng tôi học như thế nào?

Một lần nữa xin tặng các anh chị KT20A 

 

1. Đối tượng học

Ngành Kinh tế nông nghiệp các khóa trước 20 lấy đối tượng thi đại học khối A, năm 1975 lấy cả khối A và B. Những người thi khối B như tôi được học lấy bằng kĩ sư kinh tế là may mắn. Tôi cũng có ghi chép ở https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/06/cuoc-song-sinh-vien-nhung-ngay-au-tien.html nói về buổi điểm danh cuối tuần tối chủ nhật, Thầy chủ nhiệm lớp tên Khôi nhắc đến sự tự hào được học Khoa Kinh tế, nhất là những người dự thi khối B.

2. Một chương trình có yếu tố độc đáo

Chương trình đào tạo đã nêu ở https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/07/mot-chuong-trinh-ao-tao-oc-ao-va-sang.html có yếu tố độc đáo. Tính độc đáo ở chỗ chỉ có ở khóa này mà không có ở khóa khác. Đối với KT20 chúng tôi có được những trải nghiệm sau:

Thứ nhất, KT20A và KT20B có chuyến đi thực tiễn quan trọng là điều tra cơ giới hóa nông nghiệp tại Hải Hậu 4 tuần trước khi đi thực tập tốt nghiệp. Chuyến đi này phục vụ chương trình “quả bom cơ giới hóa nông nghiệp” của Đại hội IV do Tổng Bí thư Lê Duẩn thí điểm ở 2 huyện Nam Ninh và Hải Hậu (thuộc tỉnh Hà Nam Ninh). Có dịp tôi sẽ ghi chép đầy đủ hơn vì sau đó tôi được tiếp tục thực tập tốt nghiệp tại Hải Hậu 6 tháng cùng với các anh Dương Ngọc Đĩnh, Trần Hữu Giang và Nguyễn Văn Tường (anh Tường “cận” học KT19 nhưng đi thực tập và thi tốt nghiệp với lớp KT20A). Khi đó 4 người chúng tôi được coi như thành viên của Tổng cục trang bị kĩ thuật Bộ Nông nghiệp.

Trường ĐHNNI thường có nhiều hoạt động thực tiễn. Tất nhiên các cơ hội chỉ có cho từng khóa riêng biệt. Khóa 17 toàn trường được đi điều tra nông nghiệp Tây Nguyên do GS Lê Duy Thước, Hiệu trưởng phụ trách chương trình[1]. Đa số các anh chị Khóa 17 tất cả các ngành được “đặt cách”[2] ra trường vì được huy động đi điều tra từ khi chưa học hết chương trình đại học. Lớp KT18 cũng có một số anh chị được tốt nghiệp kiểu “đặc cách”.

Thứ hai, Được học Toán điều khiển học (tiếng Anh: cybernetics), nhờ đó chúng tôi có ý niệm về Phương pháp Đường găng hay  Sơ đồ mạng CPM, (tiếng Anh là Critical Path Method). Thầy Thanh dạy Toán nói rằng, đây là nội dung được dạy lần đầu tiên ở ĐHNNI. Sau đó thầy Thanh đi thi nghiên cứu sinh ở trường KTQD nên các khóa KT21 và KT22 không được học Toán điều khiển (tôi không chắc lắm về KT23).

Cũng là môn Toán, lần đầu tiên PTS Tô Cẩm Tú dạy cho KT20 môn toán xác suất (năm thứ 3). Khi đó thầy Tú vừa hoàn thành nghiên cứu sinh từ Nga trở về nhưng vẫn học thêm 1 kì toán (các khóa trước chưa được học môn này). Dù chỉ 45 tiết nhưng các nội dung và tư tưởng của môn học này rất quan trọng cho công việc của nhiều người trong chúng tôi sau này.

Thứ ba, Các hoạt động khác:

-       Một số sinh viên được huy động tham gia đổi tiền 1-5-1978 trên phạm vi toàn quốc. Lần đó, do ngày nghỉ 30-4 và 1-5 khá dài nên đa số sinh viên về quê. Nhà trường huy động những sinh viên có mặt ở trường đi thực hiện đổi tiền. Các anh lớp KT20B được huy động gồm anh Ngọ, anh Liễu, anh Đình, anh Hạ… Nghe nói sau vụ này anh Hạ vì sơ suất gì đó nên bị coi là vi phạm và sau phải thi tốt nghiệp với KT21.

-       Chuyện đi lao động công ích được huy động KT20 tại sông Tô Lịch cũng là điểm đáng nhớ. Chúng tôi được tham gia lao động nạo vét lòng sông để tạo nên hình hài sông Tô Lịch ngày nay, coi như một đóng góp xây dựng Thủ đô của Việt Nam.

 

3. Những điểm quan trọng của chương trình đào tạo kĩ sư kinh tế nông nghiệp

Tôi xin không đi vào phương pháp giảng dạy vì hồi đó kĩ thuật “thầy đọc - trò chép” là chuyện của mọi trường đại học chứ không phải chỉ có ở ĐHNNI. Lí do là không có giáo trình và công nghệ giảng dạy còn lạc hậu. Chuyện này ngày nay cơ bản bị “tiệt chủng” bằng nhiều công nghệ giảng dạy tiên tiến khác.

3.1 Học và thi như thế nào?

Các môn học khi đó được thiết kế các mức 30 tiết, 45 tiết, 60 tiết, 90 tiết, 120 tiết, 180 tiết, 240 tiết. Các môn từ 60 tiết trở lên là môn thi, dưới 60 tiết là kiểm tra. Môn thể chất và quân sự là kiểm tra (mặc dù quy đổi thì rất nhiều tiết).

Khóa KT20 có tất cả 19 môn thi – với 23 lượt thi (vì có những môn thi 2 lần: Nga văn, Toán, Kinh tế chính trị, TCQL XNNN). Không kể 3 môn thi tốt nghiệp là Chính trị Mác – Lênin (gồm kiến thức của Triết, KTCT và Lịch sử Đảng), Kĩ thuật nông nghiệp (kiến thức của nhiều môn trồng trọt và chăn nuôi) và Báo cáo đề án TTTN.

Việc học và thi được phân bố theo học kì. Các môn học được trang bị lần lượt theo khối kiến thức Cơ bản – Cơ sở - Chuyên môn một cách khá linh hoạt xen với thực tập nghề nghiệp nhiều mức độ.

Cách thi vấn đáp là chủ yếu, thi viết chỉ tổ chức trong trường hợp các bộ môn không đủ giáo viên hỏi thi. Thi vấn đáp thường diễn ra cả ngày cho mỗi môn học. Lớp có khoảng 60 SV, mỗi SV trả lời 20-30 phút, mỗi môn có 2 bàn hỏi, mỗi bàn thường 2 giáo viên (có khi 3) nên phải cả ngày mới xong.  

Các môn thi theo quy định có thời gian ôn từ 5-7 ngày, các môn kiểm tra thì không bố trí thời gian ôn. Tất cả các môn thi và kiểm tra nếu không đạt đều phải thi, kiểm tra lại, nhưng cơ bản đạt lần 2! Việc thi cử khá nghiêm túc và hồi đó không có chuyện “chạy điểm”. Vì thế mọi người lo lắng đều tập trung ôn thi. Trong “mùa thi” thì việc “xí chỗ” ngồi ôn thi ở giảng đường rất phổ biến: để ở bàn 1 quyển vở nháp chẳng hạn thì coi như chỗ đó đã có người ngồi! Ban đêm người ta chỉ mở CLB sinh viên, mà đa số mất điện giờ cao điểm nên ai cũng sắm một chiếc đèn dầu nhỏ để ôn thi. Nhìn vào giảng đường nóng bức mùa hè mà thấy đèn dầu sáng đỏ những phòng học cấp 4 trước KTX A1 mới biết sinh viên ham quý cái học và sự nghiêm túc của thi cử thời ấy! Trong sinh viên lan truyền thơ con cóc: “5 năm có 8 kì thi, một kì tốt nghiệp còn gì là Xuân!”

3.2 Kĩ sư kinh tế nông nghiệp phải học những môn cơ bản nào?

Các môn cơ bản gồm Toán – Lí – Hóa – Sinh. Toán giải tích (120t), Toán kinh tế (120t) gồm vận trù (60t) + điều khiển (60t) và Toán xác suất (45t) - tổng cộng Toán 285 tiết. Vật lý đại cương: 120t. Hóa (hữu cơ – phân tích – lí thuyết): 120t. Nguyên lí sinh học: 60t.

Tại sao học nhiều toán trong chương trình? Tôi thiển nghĩ người ủng hộ chương trình này GS Lê Duy Thước - Hiệu trưởng. Khi xưa GS đỗ tú tài toán xuất sắc mà xin chuyển từ Đại học Y Đông Dương sang Cao đẳng Nông Lâm rồi thành kĩ sư canh nông nổi tiếng[3]. Nếu lấy từ cuộc đời công việc của tôi thì trong các môn cơ sở như trên tôi chỉ thấy Vật lý đại cương là chưa sử dụng cho nghề nghiệp. Hay có lẽ do cái nghề của tôi vậy!

3.3 Môn ngoại ngữ

Cả trường chỉ học Nga văn, nhất là kĩ sư kinh tế. “Người cộng sản phải biết tiếng Nga, tiếng nói của Lênin vĩ đại” là câu nói (của ai đó) nổi tiếng thời đó trong giới trí thức cộng sản.

Môn Nga văn quy định như sau: mỗi tuần 2 tiết, năm thứ nhất kiểm tra, năm thứ 2 kì 1 kiểm tra, kì 2 thi vấn đáp. Năm thứ 3 kì 1 kiểm tra, kì 2 thi vấn đáp hết môn. Riêng 2 kì có thi được tăng số tiết lên 3 hoặc 4t/tuần. Như vậy kĩ sư kinh tế được học Nga văn 3 năm (khoảng 300t).

Thời đó các anh em mới tốt nghiệp phổ thông chúng tôi đều học khá tiếng Nga, nhất là về ngữ pháp. Nhưng vì thầy giảng tiếng Nga bằng tiếng Việt nên chúng tôi không thể nghe và nói được tiếng Nga. Vào cuối năm thứ 3 thì chỉ có thể đọc được sách chuyên môn tiếng Nga. Số anh em lớn tuổi thì chỉ mong qua môn tiếng Nga, may ra còn nhớ lơ mơ kiểu “vừa-đi-vừa-đá-vừa-chen” khi đọc từ giáo viên (преподаватель) hay “tình hình сейчас (seychas) có gì новый (nô-vưi)” tức là nửa Nga nửa Việt: tình hình hiện nay có gì mới!

Cách đào tạo đó chắc chắn đọc được tiếng Nga chuyên ngành dành cho kĩ sư, nhưng nếu nói và nghe được tiếng Nga thì phải học thêm rất nhiều.

3.4 Các môn chính trị

Tôi nghĩ chương trình này rất quan trọng cho kĩ sư kinh tế vì hiểu biết lí luận chính trị chính là nghề nghiệp. Khi đi thực tập giáo trình, tôi được biết câu: các anh chị là những người “đầu đội chính sách vai mang chứng từ” nên phải hiểu được lí luận.

Chương trình như sau: Triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Kinh tế chính trị học (TBCN và XHCN) và Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Sau đó khi ra trường thi Môn Chính trị Mác -Lênin. Một chương trình học về lí luận chính trị khá nhiều và đầy đủ.

3.5 Các môn kiến thức cơ sở

Kiến thức cơ sở thuộc nhóm môn học được trang bị để có cơ sở đi sâu vào các môn chuyên môn. Nhiều nhất là kiến thức ngành trồng trọt, từ đại cương đến chuyên khoa, còn có thêm cả bảo quản chế biến. Kiến thức ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y cơ bản cũng được học vừa đủ, nhưng ít hơn trồng trọt.

Cơ khí nông nghiệp được trang bị kiến thức về động lực ô tô - máy kéo, nhiều loại máy nông nghiệp như làm đất, bơm nước, chế biến, ấp trứng, thu hoạch và một phần về điện nông nghiệp.

Thời lượng các môn học kĩ thuật nông nghiệp khá lớn, đủ để hiểu biết cơ bản các cây, con trong thực tế sản xuất. Khi đi thực tập giáo trình các môn học chúng tôi rất dễ dàng quan sát và học hỏi được quy trình sản xuất các đối tượng này. Công việc người kĩ sư kinh tế là phải biết hết các đối tượng sản xuất.

3.6 Các môn chuyên môn

Tôi tạm coi môn Địa lí kinh tế thuộc kiến thức cơ sở, như vậy chỉ còn có 7 môn chuyên ngành gồm: Kinh tế nông nghiệp, Thống kê nông nghiệp, Kế hoạch nông nghiệp, Kế toán nông nghiệp (HTX và NTQD), Tài chính - Tín dụng xí nghiệp nông nghiệp và Tổ chức quản lý xí nghiệp nông nghiệp (HTX và NTQD). Các môn này được học khá chi tiết và cụ thể. Tất cả các nội dung học 7 môn đều có phần thực tập nhóm môn học (gọi là thực tập giáo trình).

Thực tập giáo trình 12 tuần đi thực tế (2 lần) rất bổ ích không chỉ cho quan sát thực tế mà còn được trực tiếp bắt tay vào các nhiệm vụ của cơ sở thực tập.

3.7 Giáo dục thể chất

Về đào tạo thể lực thanh niên đại học gồm: Điền kinh (năm thứ nhất) học chạy 1000m. chạy 100m; Thể dục dụng cụ (kì 1 năm thứ 2) học nhảy xa, nhảy cao, nhảy ngựa, xà đơn, xà kép. Kì 2 năm thứ hai là Thể thao đồng đội học bóng chuyền.

Điền kinh phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn vận động viên hạng 3: chạy 1000m (2,5 vòng sân vận động): không rõ mấy phút? Chạy cự li ngắn 100m: tiêu chuẩn 15s. Như vậy chương trình bảo đảm tính toàn diện: nâng cao thể lực, khéo léo với dụng cụ đồng thời là thể thao đồng đội.

3.8 Lao động nghề nghiệp 12 tuần

Năm thứ nhất có 8 tuần lao động làm quen nghề nghiệp qua các công việc làm nông diễn ra tại trường. Hàng ngày ra Trại Thực tập Thí nghiệm (TTTN) nhận công việc cho lớp hoặc cho một nhóm người theo yêu cầu nhân lực của Trại. Nói chung toàn những công việc mà những thanh niên nông thôn như tôi không có gì lạ. Tổ 1 có anh Nguyễn Ngọc Minh là con em công nhân mỏ Mạo Khê và anh Trần Duy Học là dân phố Nam Sách có thể là mới chăng?

Năm thứ 2 mỗi kì có 2 tuần lao động theo thời vụ huy động của Trại TTTN. Từ cuối học kì 1 năm thứ hai chúng tôi được lao động theo hình thức mới: Thầy Chủ nhiệm Khoa Phan Trọng Đỉnh đề nghị nhà trường khoán cho các lớp kinh tế làm thí điểm (bắt chước một phần của Bí thứ Kim Ngọc)[4]. Mỗi lớp được giao một số diện tích trồng lúa (nhưng chỉ cấy, chăm sóc và thu hoạch, phơi riêng), còn các khâu như mạ, làm đất, tưới nước và bón phân thì không giao cho lớp. Nhờ chuyện này chúng tôi được bữa liên hoan cả lớp rất đáng nhớ hồi ở KTX B3 (tôi sẽ có dịp ghi chép kĩ hơn sau này). Đây cũng được coi là công việc sáng tạo vì khi đó ngoài xã hội đang bắt đầu có chuyện khoán trong nông nghiệp.

3.9 Huấn luyện quân sự - dân quân tự vệ

Mỗi sinh viên có 2 tháng huấn luyện quân sự ở 2 năm học đầu. Đầu tiên là kĩ thuật đội ngũ để thể hiện sức mạnh và tính tập trung kỉ luật của người lính. Sau đó là các kĩ thuật tập kích kiểu trườn. bò, lê, vận động giao thông hào, ném lực đạn. Cuối cùng là xạ kích và bắn đạn thật (tại trường bắn Từ Sơn). Tôi còn nhớ hồi đó Cao Ngọc Đức bắn được 30/30 điểm, còn tôi chỉ được 3 điểm 8 (thiếu 1 điểm để trở thành loại giỏi).

Huấn luyện quân sự là quy định bắt buộc phải đạt mức độ lực lượng dự bị để có thể bổ sung ngay cho chiến đấu khi cần.

 

3.10. Tổng hợp phân tích các môn học toàn khóa và một vài nhận xét đánh giá

 

Số môn           Số tiết và %

Cơ bản                         6                      585  (21,2%)

Cơ sở                           9                      660  (24,0%)

Chính trị                      3                      420  (15,3%)

Chuyên môn               7                      680  (24,7%)

Nga văn                       1                      255  (9,3%)

Thể dục                       1                      150  (5,5%)

Quân sự                       1                      2 tháng

 

Nhận xét đánh giá cơ bản

Sự giản dị, bình dân và nghiêm túc của chương trình đào tạo

Đây là sự nghiêm túc nói chung cho tất cả các ngành học, tôi nghĩ thế.

Người dạy: giản dị, thực hiện đúng giáo trình, giáo án. Tuy lối dạy “một chiều” thời đó không có tương tác với người học như bây giờ nhưng giáo viên rất ít “ra oai” khoe khoang, trái lại rất khiêm tốn, ít phê phán kêu ca, phàn nàn chế độ - dù ai cũng khó khăn và nghèo. Sinh viên rất ít tiếp cận và gần gũi các giáo viên, nhưng đều coi giáo viên là những vị có học thuật cao và rất kính trọng, ngưỡng mộ.

Người học: cần cù, chịu khó, chấp nhận. Thái độ chấp nhận thời đó tôi cho là điểm yếu nhất của người học vì không dám tranh luận, phản biện chuyên môn, ngay cả đối với những giáo viên trẻ. Tất nhiên giảng dạy lối “một chiều” dập hết tranh luận. Đa số nghĩ lại đúng – sai chỉ khi trải nghiệm thực tế công tác sau này.

Đánh giá thi cử: cơ bản đạt nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng sức học và ôn thi của cá nhân sinh viên. Tất nhiên – tôi nghĩ – mỗi người đều có những vấn đề chưa hẳn hài lòng nào đó với thi cử, nhất là thi vấn đáp. Có nhiều giáo viên đặt câu hỏi không rõ ràng cũng như nêu cho sinh viên những vấn đề không sát với nội dung đề thi mà sinh viên được yêu cầu trả bài. Ngoài ra, tâm lí thi cử của sinh viên không tốt nên lo sợ thầy hỏi nhiều hơn bĩnh tĩnh mạch lạc trả lời câu hỏi.

Học và thực hành theo chính sách và chế độ quy định

Chúng tôi được học và thực hành về chuyên môn tất cả những gì đang xảy ra trong thực tế. Giáo viên dạy những môn như kinh tế nông nghiệp, kế toán, thống kê, tài chính, kế hoạch, tổ chức quản lý… đều nêu rõ các chính sách hiện hành, đặc biệt các các quy định chi tiết (gọi là chế độ). Ưu điểm của lối giảng dạy này rất tốt cho người học khi đi thực tập sẽ thấy ngay những điều mình học trong thực tiễn HTX và NTQD và nhờ đó có thể làm được ngay khi tốt nghiệp đại học.

Hạn chế của lối dạy này là sự thay đổi của thực tiễn thường quá nhanh nên sau khi ra trường người học phải tìm hiểu chính sách và chế độ mới. Nói chung thường xuyên lạc hậu “một nhịp” so với thực tiễn – chỉ đúng khi đi thực tập môn học, nhưng đã “lạc hậu” khi đi làm!

Người học cơ bản khó tổng kết được lí luận căn bản (nguyên lí) từ những chính sách, chế độ (vì chính sách và chế độ chỉ là những biểu hiện của nguyên lí). Đây là thử thách cho sự thành đạt của những cán bộ biết vận dụng chính sách qua kinh nghiệm nhiều năm công tác.

Học và đọc sách

Khi đi học, chúng tôi đều được làm Thẻ thư viện nhưng khi lên mượn sách chúng tôi mới thấy sự nghèo nàn của thư viện. Khi hỏi mượn giáo trình – rất ít giáo trình, cơ bản chỉ có bài giảng in rô-nê-o. Ngoài ra việc thi bám theo những nội dung giáo viên đọc trên lớp nên thực ra không có nội dung gì cần tham khảo khác.

Khi học môn Kinh tế Chính trị phần XHCN, Thầy Cấn nói thư viện trường ta là thư viện có 5 vạn đầu sách rất đáng tự hào (khi đó thấy Cấn mới được đi tham quan các trường đại học phía Nam về). Tôi cũng thường xuyên lên thư viện nhưng chủ yếu chỉ mượn được một số sách văn học ở năm thứ nhất, sang năm thứ 2 thì không còn nữa. Nhưng từ năm thứ 3 và 4, tôi lại tiếp cận được với một số sách của phía Nam, đặc biệt các sách của chế độ Sài Gòn do Vũ Quốc Thúc biên soạn[5] về nền kinh tế và chính sách tiền tệ phía Nam. Tài liệu in kiểu rô-nê-ô bìa xanh rất dày, nhiều tập mà tôi vẫn còn rất nhiều ấn tượng về cách biên tập – nhất là đánh giá tài nguyên về tây Nguyên, Đồng bằng sống Cửu Long…  

Sau này tôi được biết rõ thêm về những nội dung giáo trình, bài giảng của giáo viên. Thì ra đều cơ bản được dịch từ tiếng Nga qua các sách của các trường đại học Liên Xô. Từ sau năm thứ 3, tôi cơ bản đọc được tiếng Nga chuyên môn, tôi thấy rất lạ là các sách của Liên Xô khi ấy cũng viết theo chế độ Nông trang tập thể và Nông trường quốc doanh và một số nội dung như khấu hao tài sản cố định, tổ chức chăn nuôi gia súc… khá giống với những gì chúng tôi được học. Thế mới biết vấn đề “mô hình chế độ kinh tế tập trung – bao cấp” được sao chép và lan truyền rất mạnh giữa các nước XHCN.

Được trực tiếp thực hiện các công việc thực tiễn

Đây là cách học đáng trân trọng bậc nhất của người kĩ sư kinh tế nông nghiệp. Thực tập giáo trình là được tìm hiểu thực tiễn để so sánh với những điều được học, nhưng quan trọng hơn là đều được trực tiếp tham gia vào các công việc quản lý. Lần thực tập 4 tuần ở các HTX huyện Gia Lâm, chúng tôi được tham gia thực hành chế độ kế toán HTX (43 tài khoản) và trực tiếp gặt điểm thống kê năng suất lúa. Lần thứ 2 tại NTQD Mộc Châu 8 tuần, chúng tôi được trực tiếp làm kế hoạch cho các đội, xưởng sản xuất và quan trọng hơn là được nghe Giám đốc Nguyễn Tài Anh nghe báo cáo và duyệt kế hoạch từng đơn vị. Vị giám đốc to lớn nói năng khàn khàn rất có uy tín thời đó đã giúp chúng tôi hiểu được những gì thực tế đang xảy ra mà không có giáo viên nào dạy nổi. Hàng năm, cứ vào quý 4 là NTQD Mộc Châu đón sinh viên kinh tế nông nghiệp như một sự kiện – sinh viên sẽ giúp các đội - xưởng làm kế hoạch cho năm tiếp theo[6]. Cứ như chuyện không có sinh viên kinh tế ĐHNNI thì NTQD Mộc Châu không ai làm được kế hoạch!

Tôi đánh giá rất cao chương trình đào tạo kĩ sư kinh tế nông nghiệp ở điểm đưa người học vào thực tiễn – từ giáo trình bài giảng vào cuộc sống sinh động của tổ chức HTX và NTQD – đơn vị kinh tế nông nghiệp cơ bản trong thời bao cấp oai hùng!

 

 

 

 

 

 

 



[1] GS Lê Duy Thước từng là kĩ sư canh nông Đông Dương, xem thêm tại 

https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Duy_Th%C6%B0%E1%BB%9Bc#:~:text=L%C3%AA%20Duy%20Th%C6%B0%E1%BB%9Bc%20sinh%20t%E1%BA%A1i,B%C3%A0ng%20(ph%E1%BB%91%20H%C3%A0ng%20Tr%E1%BB%91ng). Sau này GS là Chủ nhiệm chương trình nhà nước Xây dựng cơ sở khoa học của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên (1984–1988).

[2] Đặc cách: cách làm đặc biệt được chấp nhận

[3] Xem thêm tại https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Duy_Th%C6%B0%E1%BB%9Bc#:~:text=L%C3%AA%20Duy%20Th%C6%B0%E1%BB%9Bc%20sinh%20t%E1%BA%A1i,B%C3%A0ng%20(ph%E1%BB%91%20H%C3%A0ng%20Tr%E1%BB%91ng)

[4] Bây giờ nhìn lại mới thấy ý tưởng này hay. Kim Ngọc thì nêu chuyện khoán từ những năm 1960s, nhưng 1977-1978 thì chỉ có Đoàn Xá, Kiến Thụy Hải Phòng khoán chui. Còn CT100 thì ra đời năm 1981 và NQ10 thì mãi 1988 mới có. Xem thêm về Kim ngọc tại https://vi.wikipedia.org/wiki/Kim_Ng%E1%BB%8Dc  

[6] Đây là chuyện có thực. Sau này tôi nhiều lần tham gia hướng dẫn TTGT ở Mộc Châu, tôi mới rõ tình cảm của cán bộ và công nhân ở các đội và phòng ban quý trọng sinh viên Khoa Kinh tế nông nghiệp ĐHNNI như thế nào. Họ luôn dành phần xây dựng kế hoạch hàng năm cho sinh viên. Có nhiều đội cho sinh viên trực tiếp báo cáo kế hoạch với Giám đốc tài Anh. Khóa KT27 tôi đã chứng kiến một sinh viên tức mà khóc trước mặt Giám đốc vì ý kiến của mình bị bác bỏ.

Thứ Năm, tháng 7 17, 2025

Một chương trình đào tạo độc đáo và sáng tạo (!)


Chương trình đào tạo là chuyện luôn thay đổi – thay đổi theo các tham chiếu của hệ thống kiểm định, theo yêu cầu thời cuộc…

Dưới đây là một thực tế về chương trình đào tạo độc đáo và rất sáng tạo: có tiêu chuẩn học thuật, có hoạt động thực tiễn nghề nghiệp và ngoại khóa đáp ứng các nhu cầu xã hội (lao động công ích đào vét sông Tô Lịch, đổi tiền 1-5-1978, điều tra cơ giới hóa nông nghiệp tại Hải Hậu 1979) .

Các ghi chép tiếp theo tôi sẽ đánh giá chi tiết chương trình này qua trải nghiệm của bản thân tôi cùng tập thể lớp KT20A. Càng ngẫm nghĩ tôi càng thấy giá trị quan trọng của một chương trình đào tạo kĩ sư kinh tế nông nghiệp rất có ích cho chúng tôi trong điều kiện đất nước sau chiến tranh nghèo đối.

Tôi có hầu hết chứng cứ của chương trình này vì những ghi chép còn sót lại của tôi từ những năm học đại học và những thma khảo sau này khi tôi có nhiều thời gian công tác tại trường.

 

Chương trình đào tạo đại học kĩ sư kinh tế nông nghiệp (1975-1980) tại ĐHNNI

Thời gian học: 4,5 năm


 Năm thứ nhất (1975-1976): tổ chức 1 kì thi

Các môn thi:

Triết học Mác – Lênin (duy vật biện chứng và duy vật lịch sử)

Nguyên lí sinh học

Toán giải tích

Hóa (hữu cơ-phân tích-lí thuyết)

Các môn kiểm tra:

Nga văn

Thể dục (điền kinh)

Ngoại khóa:

Lao động nghề nghiệp tại trường 8 tuần

Đi lao động công ích (xây dựng Thủ đô) trước khi vào năm thứ 2: nạo vét sông Tô Lịch: 2 tuần

 

Năm thứ hai (1976-1977): tổ chức 2 kì thi 

Các môn thi kì 1:

Vật lí đại cương

Kinh tế chính trị 1 (phần Tư bản chủ nghĩa)

Toán (vận trù-điều khiển)

Các môn kiểm tra kì 1

Nga văn

Thể dục (dụng cụ)

Ngoại khóa:

Lao động nghề nghiệp tại trường 1 tuần

 

Các môn thi kì 2:

Địa lí kinh tế

Kinh tế chính trị 2 (phần Xã hội chủ nghĩa)

Nga văn (lần 1)

Trồng trọt đại cương

Các môn kiểm tra kì 1

Thể thao đồng đội (bóng chuyền)

Quân sự lần 1 (1 tháng): Học đội ngũ, vận động trong chiến hào ném lựu đạn, học lí luận quân sự

Ngoại khóa:

Lao động nghề nghiệp tại trường 1 tuần

 

Năm thứ ba (1977-1978): tổ chức 2 kì thi

 

Các môn thi kì 1:

Kinh tế nông nghiệp

Trồng trọt chuyên khoa

Các môn kiểm tra kì 1

Rau quả

Nga văn

Toán xác suất

Quân sự lần 2 (1 tháng): Học xạ kích, bắn đạn thật

Ngoại khóa:

Lao động nghề nghiệp tại trường 1 tuần

 

Các môn thi kì 2:

Thống kê nông nghiệp

Kế toán nông nghiệp

Cơ khí nông nghiệp

Nga văn (lần 2)

Các môn kiểm tra kì 2

Bảo quản chế biến

Công cụ tính

Thực tập giáo trình 1

Các môn học thống kê NN, kế toán NN 4 tuần tại Gia Lâm 

Ngoại khóa:

Lao động nghề nghiệp tại trường (khoán cả lớp 1 vụ ruộng lúa)

1-5-1978 huy động SV tham gia đổi tiền (số SV ở trường  không về nghỉ 1-5)

 

Năm thứ tư (1978-1979): tổ chức 2 kì thi 

Các môn thi kì 1:

Kế hoạch nông nghiệp

Chăn nuôi đại cương

Tổ chức quản lý xí nghiệp nông nghiệp (lần 1)

Các môn kiểm tra kì 1

Thú y cơ bản

 

Các môn thi kì 2:

Tổ chức quản lý xí nghiệp nông nghiệp (lần 2)

Tài chính – tín dụng xí nghiệp nông nghiệp

Lích sử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực tập giáo trình 2

Các môn học kế hoạch NN, tài chính, TCQLXN 8 tuần tại NTQD Mộc Châu

 

 

Năm thứ 5 (1979-1980) 

Ngoại khóa:

Đi điều tra Chương trình Cơ giới hóa nông nghiệp tại Hải Hậu 1 tháng

 

Thực tập tốt nghiệp (6 tháng): tại các địa phương theo phân công của BCN Khoa

 

Thi tốt nghiệp: tháng 4-tháng 5/1980

Chính trị (Lí luận Mác - Lênin)

Bảo vệ đề án tốt nghiệp

Môn kĩ thuật nông nghiệp

Học chính trị cuối khóa: 1 tuần

 

Trước khi phân công công tác

Số đi khoán quản các địa phương

Số học Sĩ quan dự bị (30/6-7/10/1980) và một số đi bộ đội (15/12/1980)

 

Thứ Ba, tháng 7 15, 2025

“Ăn cơm nhà nước” và một vài suy ngẫm!

Tặng những người có ước mơ thành người nhà nước! 


Tụi trẻ trâu cùng tuổi ở quê tôi tất thảy đều mơ thành người nhà nước, nghĩa là được ăn cơm nhà nước và đi làm cho nhà nước.

Số là hồi đó những ai được ăn cơm nhà nước, dù là bộ đội, đi TNXP, đi học chuyên nghiệp hay công nhân, đều thấy có sự thay đổi rất rõ rệt – cao lớn hơn, đẹp trai, đẹp gái hơn so với khi ở nhà. Cơm nhà nước chắc chắn là có “chất gì đó” nên bọn họ đều có chất rất khác tụi trẻ trâu gầy đen, “ăn phải ruột lươn”[1] không chịu dậy thì!

Ghi chép ở đây trong trường hợp của riêng tôi, để có thể theo dõi “cho có mạch” hơn nếu lần lượt đọc thêm 4 ghi chép sau để thấy cái khát khao muốn thành người ăn cơm nhà nước.

Ghi chép  “Có một giấc mơ đại học” tại https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/06/co-mot-giac-mo-ai-hoc-ki-1.html và tại https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/06/co-mot-giac-mo-ai-hoc-ki-2.html và “Được vào đại học, may mắn thay đổi định mệnh” tại https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/06/may-man-thay-oi-inh-menh.html “Cuộc sống sinh viên những ngày đầu tiên” tại https://lehuuanhghichep.blogspot.com/2025/06/cuoc-song-sinh-vien-nhung-ngay-au-tien.html

Từ tháng 7-1974 đến tháng 12-1975, tôi đã có hơn một năm “lắm vai”: người trượt đại học, nông dân, thủy nông viên, “bộ đội gia công”, thanh niên xung kích, sinh viên. Cuối cùng là tôi đã thành người được chính thức ăn cơm nhà nước. Những dòng kí ức dưới đây của tôi là chuyện đã gần tròn 50 năm trước.

“Ăn cơm nhà nước” đổi đời thể chất

Noel 1975 đến sau Tết dương lịch 1976, trời Hà Nội rất lạnh giá. Hồi xưa ấy ai cũng nói lạnh hơn bây giờ bởi 2 nguyên nhân: i/ quần áo không đủ mặc và ii/cái rét từ bên trong rét ra do thiếu dinh dưỡng (mỡ) giữ ấm cơ thể. Tôi nhập học (đợt 2) ngày 24-12-1975 đúng vào dịp đó, lại phải đi lại bổ sung giấy tờ nên nhiễm lạnh và viêm họng quá nặng, đến nỗi không nói được. Khi chưa kịp làm sổ y bạ, tôi đem giấy báo nhập học đi xin thuốc. Từ 13-1 đến 17-2-1976 vẫn còn bút tích nhân viên bệnh xá trường ghi 3 lần xin thuộc ho và viêm họng. Phòng 9 Nhà A2 Tổ 1 chắc vẫn còn nhớ hình ảnh tôi khi ở phòng luôn có cái khăn quàng to như một cái chăn quấn trên cổ. Đây là khăn len của Nga to dài dành cho người xứ tuyết nên nó như một cái chăn, tôi không dám mang theo khi đi học hay mỗi khi ra ngoài. Từ đầu tháng 4-1976, trời ấm hơn nên tôi mới đỡ viêm họng khủng[2] và sau này trở thành mãn tính suốt đời tôi mang theo.

Một chuyện khác là vào khoảng đầu tháng 3 năm 1976, anh em “đỗ vớt” trong lớp được gọi đi kiểm tra sức khỏe đầu và để làm y bạ. Trong số 6 người thì có 2 người lo lắng nhiều nhất là tôi và Lê Cao Bính. Tôi thì khi vào trường mới hơn 30kg một chút. Với cân nặng ấy có đủ sức khỏe để học không? Còn Bính thì có vấn đề lo lắng gì đó về tim mạch thì phải… Lúc này tôi đã được ăn cơm nhà nước hơn 2 tháng rồi.

Khi lên cân đo: nặng 32kg, cao 1,53m. Các phòng khám kiểm tra khác đều đạt. Như vậy tôi chỉ có vấn đề thể lực. Vào phòng kết luận, bác sĩ Nguyễn Thanh Tiềm cao lớn người Nghệ An bảo đã học được mấy tháng rồi, thể trạng này sẽ thay đổi nhanh nên không đáng lo lắng – kết luận đủ tiêu chuẩn sức khỏe học đại học. Tôi được cấp y bạ và quan trọng nhất là đã chính thức qua được “cửa ải điều kiện sức khỏe” – nỗi lo lớn nhất khi tôi đến trường!

Lúc này nỗi lo là mình đi học chậm hơn người khác 2 tháng thì cố mà học hỏi thêm. Nhưng môn Nga văn là đáng lo nhất vì mãi gần 1 tháng sau tôi mới biết cách đọc âm tiếng Nga qua chữ viết. Rồi lại xuất hiện nỗi lo khác về môn thể dục điền kinh. Thầy Đỗ Mộng Ngọc[3] dạy rất nghiêm khắc và theo quy định, sức khỏe chúng tôi sau năm thứ nhất phải đạt tiêu chuẩn tương đường vận động viên hạng 3.

Vào cuối tháng 3-1976, khóa 20 có đợt lao động 2 tháng tại trường theo chương trình học. Đối với tôi, đó là dịp may vì đi lao động thì tôi có dịp để tự học bổ sung kiến thức mình bị chậm, nhất là toán giải tích và Nga văn. Ngoài ra, quan trọng nữa là mỗi ngày tham gia lao động[4] được cấp thêm 125g lương thực – tương đương một cái bánh mì. Công việc lao động thì chỉ làm những việc ở trường như sửa lại kênh mương, trồng hàng rào mây quanh trại quả, lấy rau lợn, chăn trâu… Toàn những chuyện nhà nông tôi không lo sợ gì cả. Lại nhớ có hôm anh Hợp lớp trưởng cử tôi đi chăn mấy con trâu của trại, trâu là khỏi chuồng không muốn về và mãi tối đen tôi mới xua được đàn trâu về…

Kết hợp chuyện được ăn thêm một bánh mì, làm việc thì không nặng nhọc và thời tiết ấm lên nên sức khỏe tôi cũng khá dần, bắt đầu hết những cơn ho và viêm họng. Thi xong năm thứ nhất rồi được về hè, tôi cảm thấy sức khỏe tốt hơn rõ rệt so với khi mới vào đại học. Tuy nhiên câu chuyện lo môn thể dục điền kinh đã có cái kết: tôi (và một số người khác trong lớp) đã trượt kì kiểm tra môn thể dục điền kinh. Mặc dù mấy tháng trước khi kiểm tra tôi đã tự rèn luyện nghiêm túc, sáng nào cũng chạy mấy vòng ở sân vận động. Tôi còn nhớ buổi sáng kiểm tra ấy, thầy Lung phất cờ, thầy Ngọc bấm giờ. Quãng đường chạy 100m tôi phải mất 15,5s mà tiêu chuẩn đạt là 15s. Tôi trượt môn kiểm tra[5] đầu tiên (và cũng là môn trượt duy nhất trong những năm đại học).

Thầy Ngọc tuyên bố 15,5s khi tôi chạm vạch đích. Tôi vừa dừng lại thì thấy hoa mặt lên và ngã lăn ra đất. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đang nằm ở Trạm xá trường, bên cạnh có anh Ngọc, anh Khang và một số người trong Tổ 1. Anh Ngọc bảo tôi bị ngất ngay sau khi chạm đích, mọi người không kịp đỡ nên tôi ngã ngay trên sân vận động. Đây là lần ngất[6] đầu tiên tôi gặp phải trong đời. Thấy tôi tỉnh táo, các cô y tá bảo tôi nằm nghỉ một lát, đo nhiệt độ, huyết áp, và sau đó tôi được cho về phòng ở.

Sau 8 tuần hè, chúng tôi trở lại trường một cách háo hức. Riêng tôi thì vui lắm, về hè chỉ đi thăm anh gia đình Khang và gia đình anh Lan, còn chỉ quanh quẩn trong làng, xã. Hồi đó xã tôi có một thư viện mới, thế là tôi có nơi đến mượn sách đọc hàng ngày. Tôi cũng tham gia một số công việc với đoàn thanh niên ở quê hương và đặc biệt vẫn dám mượn cái dậm để kiếm cá (nhưng chỉ dám đi buổi trưa vì sợ có nhiều người biết). Chỉ đi đánh dậm vài giờ là kiếm được tép cá ăn cả mấy ngày. Ngoài ra còn giúp được mẹ những công việc nặng nhọc như gánh phân, gánh củi. Một câu nói mà đi đâu tôi cũng được nghe: ăn cơm nhà nước có khác, mới đi mấy tháng mà cao lớn khác hẳn. Đúng là nhờ cơm nhà nước!

Vào giữa tháng 10-1976, người ta có đợt kiểm tra sức khỏe sau 1 năm học cho khóa 20. Lúc này tôi đã không còn lo gì nữa: tôi nặng 45kg và cao 1,65m. Tuy vẫn đen và gầy, nhưng anh sinh viên Lê Hữu Ảnh đầu năm học năm thứ 2 nhờ được “ăn cơm nhà nước” đã từ đứa trẻ trâu nặng 32kg, cao 1,53m (tháng 3-1976), chỉ sau 7 tháng tôi đã cao thêm 12cm và nặng thêm 13kg. Cũng nói luôn là hết đại học 1980 tôi  có độ cao 1,73cm và nặng 52kg. Một kiểu lớn rất “Phù Đổng”!

Rõ ràng với tôi “ăn cơm nhà nước” có hiệu quả thần kì. Chuyện “dậy thì” chậm hơn với tuổi của tôi những năm ở quê và nay chuyện ăn uống đầy đủ hơn, bảo đảm dinh dưỡng hơn so với khi ở quê đã làm tôi bật dậy đổi đời về thể chất. Tôi đã có đủ thể lực để làm được mọi công việc ngày sinh viên ấy.

 

Chuyện nhà nước nuôi học đại học

Đi thoát li nghĩa là được nhà nước nuôi tất tần tật! Cũng nên nhớ lại một thời bao cấp đau khổ mà vô cùng “sung sướng” ấy.

Đầu tiên là không mất tiền học phí, không mất tiền ở, tiền điện, nước. Sinh viên[7] được tiêu chuẩn chế độ mỗi năm 5m vải (thay chế độ nhân dân chỉ 4m), lại còn có 300gram đường. Học bổng được 18đồng/tháng, lương thực 17kg/tháng, bìa thực phẩm (loại E hay D gì đó) ở Hà Nội được mua thịt, đậu phụ, cá, nước mắm, chất đốt, thậm chí cả rau xanh[8]. Tất nhiên, lương thực, thực phẩm, chất đốt và tiền thì nộp tất vào nhà ăn tập thể (những ai cắt cơm thì được trả lương thực bằng tem gạo). Như vậy, với 18 đồng/tháng và chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm, chất đốt, người ta chia đều cho số ngày trong tháng để có đủ ngày 2 bữa ăn. Thế là xong việc lo ăn, ở, đi học. Còn phải kể đến chuyện đau ốm được đi chữa, đọc sách có thư viện, đi thực tập xa có xe chở đi về. Những ngày nghỉ hè, nghỉ tết thì được trả phiếu lương thực (nhưng không có chế độ thực phẩm). Khi đi thực tập tốt nghiệp thì cá nhân tự lo tàu xe, nhưng có chứng nhận theo giấy công tác thì được thanh toán tiền tàu xe (chế độ lương thực thì phải cắt theo, nhưng không cắt theo chế độ thực phẩm – có lẽ món này các tỉnh không giống nhau). Cá nhân thì chắc chắn được mỗi năm được mua 5m vải và 0,3kg đường.

Hồi đó có chuyện vui là nữ sinh thì được học bổng 18,5đ/tháng (hơn cái lí do gì đó bọn nam chúng tôi không rõ lắm). Nghe nói nhiều cô bị cắt mất 5 hào vì tên gọi bị nhầm tưởng là nam, còn một số anh bị tưởng nhầm tên nữ lại có thêm 5 hào! Anh Đỗ Kim Chung lớp KT19A được tiêu chuẩn 18,5 đ/tháng mấy năm đầu, không biết anh Lê Ngọc Lan lớp ta có bị nhầm để có thêm 5 hào/tháng không nhỉ?

Đối với cán bộ đi học thì còn có tiêu chuẩn thuốc lá. Tổ tôi có các anh Lục, Khang, Minh, Kình,… đều được mua mỗi tháng mấy bao thuốc lá giá phân phối nhà nước qua căng tin trường. Nghe nói có người cưới thì chỉ cần xin bìa thuốc lá của bạn bè trong lớp vài tháng là đủ cả tiệc cưới!

Một tiêu chuẩn khác cũng được coi là ưu việt của thời bao cấp: nhà nước nuôi cơm đào tạo thì nhà nước tìm việc làm suốt đời. Không chỉ người đi học được hưởng “cái mát mặt” của người nhà nước mà khi đó trong chế độ ăn chia của HTX, các ưu tiên phân phối số 1 thuộc về gia đình có người nhà nước. Nghĩa là, nếu đi bộ đội, thương binh hay gia đình liệt sĩ được cấp một chế độ chính sách đặc biệt trong phân phối lương thực qua HTX, ngay sau đó là chế độ cho những gia đình có người nhà nước, rồi đến chế độ những gia đình có người đi học cấp 3 (quê tôi ngay từ hồi chiến tranh). Rõ ràng qua đó thấy những ưu ái cũng như “tầm nhìn” công bằng xã hội của tư duy “bao cấp” một thời.

Riêng bản thân tôi và gia đình tôi nếu không được trực tiếp hưởng những ưu ái đó thì chúng tôi không có được những gì như bây giờ. Thử hỏi gia đình tôi khi đó nếu không có chế độ học bổng nhà nước thì mấy anh chị em gia đình tôi làm sao được thoát li học hành. Tất nhiên nhiều người trong lớp chúng tôi khi ấy cũng đều vậy cả.

Ở trường Đại học Nông nghiệp I thì còn có một số ưu điểm: rau trồng tự túc được nên tiêu chuẩn rau xanh ăn khá đầy đủ, về Tết thì mỗi sinh viên có được một bánh chưng. Nghe nói chuyện ăn uống cũng có nhiều cải thiện hơn so với sinh viên các trường nội thành.

 

“Chế độ bao cấp” - chuyện cũng nên nói lại

Rõ ràng nhà nước điều chỉnh cuộc sống mọi người bằng chế độ tem bìa phiếu để bảo đảm sự “công bằng” nào đó trong điều kiện của cải rất có hạn sau chiến tranh và các khốn khó hồi chiến tranh biên giới, chiến tranh Tây Nam. Nhưng thử đặt ra câu hỏi: nhà nước lấy từ đâu để làm ra cái chế độ “bao cấp” ấy?

Tất nhiên là chuyện nhà nước nuôi đào tạo thì nhà nước sử dụng. Cả cuộc đời người được nhà nước đào tạo sẽ phải làm cho nhà nước theo một chế độ nào đó mà chắc chắn nhà nước phải có được những lợi lộc nhất định từ những người được đào tạo làm ra. Chuyện mấy nước “bạn XHCN” có giúp đỡ vài trăm nghìn tấn lương thực hay gì gì đó thì cũng chỉ được một phần rất nhỏ so với nhu cầu cả nước. 

Có lần tôi đọc ở đâu đó rằng người ta tính toán như sau: một con người trong thế kỉ 20 với năng suất lao động trung bình thì nếu cứ sống đến 40 tuổi là đã bảo đảm hoàn lại đủ cho những gì lấy từ xã hội nuôi bản thân người đó. Ai sống (tất nhiên là làm việc) đến sau 40 tuổi là đã làm cho xã hội có lãi. Lãi ở đây không chỉ là tiền bạc mà trong kinh tế học đây thực chất là lãi cái giá trị “phúc lợi xã hội”. Tôi nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học nhiều năm nên tôi biết rõ ngày nay người ta nhìn bao quát quan niệm phúc lợi xã hội (social benefit) - chi phí xã hội (social costs) = thặng dư xã hội (social surplus). Như vậy nhìn về toàn thể, xã hội bao giờ cũng lấy lại được phần thặng dư xã hội mà một người lao động sống và làm việc sau 40 tuổi. Nhờ đó mới có sự tích lũy của thế hệ trước cho thế hệ sau.

 

Chuyện chi phí xã hội nuôi một con người

Đầu tiên là cha mẹ, gia đình lấy sức lao động làm ra để nuôi con trong giá trị “thặng dư xã hội” ấy một cách tất yếu. Tuy nhiên còn phải tính đến nhà cửa, ruộng đất ông cha bao đời để lại, của cải xã hội được sử dụng trên nền tảng xây dựng của con người nhiều thế hệ: đường sá, cơ sở vật chất, thậm chí cả văn hóa, lối sống, tập quán tiến bộ… Sau đó là những “tích lũy nhà nước” có được từ tồn kho (hay tồn dư lũy kế), bán tài nguyên, sử dụng lao động, đi vay…

Nhưng đó là lối nhìn khoa học tổng quát. Thực tế quê tôi khi ấy phải thấy như thế này: toàn bộ công sức lao động làm ra hạt lúa, cân thịt của mỗi người, mỗi gia đình đều thuộc nhà nước. Mỗi người, mỗi gia đình phải đóng nghĩa vụ cho nhà nước. Gia đình tôi lao động quanh năm trong HTX được bao nhiêu thì nhà nước thu cả, sau đó chia lại chỉ đủ ăn để tái sản xuất sức lao động làm tiếp. Thôi thì ta nghĩ cho đơn giản là làm trên ruộng đất nhà nước thì nhà nước thu, nhưng chuyện gia đình nuôi con lợn phải tự mua giống, dành thức ăn và công nuôi, thế thì sao nhà nước lại đòi nghĩa vụ đóng góp thực phẩm? Nhà tôi 5 khẩu (khẩu là tính trên số miệng ăn) mỗi năm phải đóng cho nhà nước 27kg thịt hơi (được cho là xác định theo số khẩu ăn lương thực thì tất nhiên còn có phần cám nuôi lợn). Lương thực được phân phối (nghĩa là được ban cho để tái sản xuất sức lao động). Cám chưa được tính trong sự ban cho ấy nên phải thu hồi, qua thịt lợn (!!!) Năm nào gia đình tôi nuôi được con lợn đủ 27kg thịt hơi[9] là vừa đủ đóng. Nếu cao hơn 27kg thì người ta trả lại phần thừa bằng tem thịt. Khi HTX có bán thì cầm tem thịt ấy đến mua, nhưng đa số không ai mua được. Nhưng nếu thiếu thì số thiếu được cộng dồn vào tiêu chuẩn nghĩa vụ cho năm sau. Đó là cái nhà nước thu để tồn tại chứ còn gì nữa!

Bất công quá nhỉ! Bất công thì chế độ nào cũng có. Mình “bị đóng” cái công nghĩa vụ của mình (đi bộ đội, đi làm cho nhà nước, đóng nghĩa vụ lương thực, thực phẩm…) nhưng bù lại “được hưởng” rất nhiều thứ (đi học, làm người nhà nước, có thu nhập, tài sản…). Trộm nghĩ, “nhìn xuống” thấy khối kẻ không được hưởng những cái như mình được - phải chăng kẻ đó đã “bị đóng” nhiều hơn hay “được hưởng” ít hơn?

 



[1] Hồi ở quê các cụ nói đùa bọn trẻ trên 16 tuổi mà không chịu lớn là “ăn phải ruột lươn” nên ruột bị xoắn lại, không nở ra để lớn được!

[2] Hồi đó có quan điểm cắt a-mi-dan để chống viêm a-mi-dan, nhưng cũng có quan điểm khi a-mi-dan bị cắt thì lại càng việm họng hơn do tiền đồn ngăn lạnh vào phổi và họng bị cắt bỏ. Cuối 1974, chế độ nuôi dưỡng để mau trở thành bộ đội đã cho tôi đi cắt cái a-mi-dan.

[3] Thầy Ngọc đã tốt nghiệp đại học thể dục ở Liên Xô.

[4] Chủ nhật nghỉ lao động thì không có bánh mì.

[5] Hồi đó chương trình đào tạo phân biệt môn thi và môn kiểm tra. Tôi sẽ nói rõ hơn trong bài Chương trình đào tạo kĩ sư kinh tế.

[6] Cho đến nay tôi đã 4 lần ngất – sau này đi khám kĩ các bác sĩ xác định được nguyên nhân ngất của tôi thường là những lần quá gắng sức tạo nên cơn thiếu máu não thoáng qua – một dạng đột quỵ nhẹ.

[7] Người đi thoát li khỏi nông thôn vào nhà nước đều có tiêu chuẩn 5m vải/năm.

[8] Từ bìa C, bìa B cà bìa A còn có trứng, sữa… tức tiêu chuẩn cán bộ cao cấp.

[9] Thịt hơi là cân khi con vật đang còn thở (hơi là hơi thở). Khi đi mua thịt về ăn gọi là thịt móc hàm – tức là con vật đã bị giết lấy thịt.

Thứ Năm, tháng 7 10, 2025

Khoa Kinh tế Nông nghiệp và các Bộ môn thời chúng tôi học


Tôi ghi chép tóm tắt vài thông tin cơ bản về Tổ chức Khoa và các Bộ môn thời chúng tôi học để tiện theo dõi nội dung các ghi chép về Chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo kĩ sư kinh tế…

Khoa Kinh tế Nông nghiệp thành lập năm 1961 (sau các ngành khác 5 năm)

Trường Đại học Nông nghiệp khi thành lập 1956 chỉ có 3 khoa với 4 chuyên ngành đào tạo: Khoa Nông học gồm hai ngành: trồng trọt và cơ khí hóa nông nghiệp; Khoa Chăn nuôi Thú y có ngành Chăn nuôi - Thú y; Khoa Lâm học có ngành Lâm học[1].

Từ khóa học 1957-1958 bắt đầu có Tổ Kinh tế nằm trong Khoa Nông học do Thầy Hiệu phó Nguyễn Đăng[2] làm Tổ trưởng. Các khóa từ 1958-1962 do thầy Nguyễn Văn Đỉnh làm Tổ trưởng. Trưởng Khoa đầu tiên là kĩ sư Phan Văn Giản (1963-1964), sau đó là Thầy Nguyễn Lâm Toán làm Trưởng Khoa 2 nhiệm kì[3] (1964-1968) và (1972-1977). Thầy Phan Trọng Đỉnh làm Trưởng Khoa nhiệm kì 1978-1982.

Hiện nay ngày thành lập Khoa Kinh tế Nông nghiệp tính là 12-10-1961 cho thống nhất với ngày Thành lập trường. Thông tin về sự phát triển của Khoa Kinh tế Nông nghiệp từ sau 1980 có thể tham khảo tại website[4] của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Các Bộ môn của Khoa Kinh tế Nông nghiệp

Theo website của Khoa[5] Kinh tế và Quản lí, những ngày mới thành lập số lượng cán bộ của Khoa chỉ là 5 người trong một tổ bộ môn và đào tạo duy nhất một ngành là Kinh tế nông nghiệp hệ đại học.

Năm 1963 Khoa phát triển lên 3 bộ môn: Bộ môn Kinh tế nông nghiệp, Bộ môn Tổ chức quản lý xí nghiệp và Bộ môn Thống kê (hay Thống kê - Kế hoạch - Kế toán).

Trưởng Khoa hồi chúng tôi học ban đầu là thầy Nguyễn Lâm Toán[6], sau đó là thầy Phan Trọng Đỉnh[7]. Khoa khi đó có Bộ môn Kinh tế nông nghiệp do thầy Nguyễn Dương Đán phụ trách, Bộ môn Tổ chức quản lý xí nghiệp do thầy Trần Đình Đằng phụ trách, Bộ môn Thống kê do cô Đỗ Thị Ngà Thanh phụ trách, Bộ môn Kế hoạch do thầy Doãn Xuân Sắc phụ trách và Bộ môn Kế toán do thầy Trương Xuân Ngô[8], sau đó là thầy Nguyễn Quang Thoại phụ trách.

Ngành kinh tế nông nghiệp đào tạo kĩ sư kinh tế

Ngành Kinh tế nông nghiệp lúc ấy đào tạo danh hiệu văn bằng là kĩ sư kinh tế có thời gian đào tạo là 4 năm 6 tháng (vào trường khoảng tháng 10, ra trường khoảng tháng 6, do vậy tính theo năm là 5 năm).

Kĩ sư kinh tế sau này được gọi là Cử nhân kinh tế. Tôi thì vẫn thích cái danh hiệu Kĩ sư kinh tế hơn vì dùng từ cử nhân “cũ kĩ” quá. Cử nhân thời phong kiến là những người được tiến cử (giới thiệu) làm quan. Kĩ sư là người thầy kĩ thuật làm công việc chuyên môn (kĩ thuật) được gọi theo kiểu phương Tây rất phù hợp với nghề nghiệp người lao động kĩ thuật, mà lao động kĩ thuật thì đâu cứ phải làm quan? Thực tế hàng vạn kĩ sư kinh tế làm công việc của người lao động “bán trí óc” tức là nửa trí óc – nửa tay chân trong thời bao cấp cũng như sau này.

Một vài chuyện vui

Chuyện đặt tên Bộ môn

Trong quá trình phát triển các Bộ môn của Khoa Kinh tế Nông nghiệp, việc gọi tên các Bộ môn thường gọi theo môn học: Bộ môn Tổ chức quản lý xí nghiệp dạy môn Tổ chức quản lý xí nghiệp nông nghiệp, Bộ môn Kinh tế dạy môn Kinh tế nông nghiệp. Riêng Bộ môn Thống kê có thời kì dạy nhiều môn học[9]: Thống kê nông nghiệp, Kế hoạch nông nghiệp, Kế toán xí nghiệp nông nghiệp, Tài chính – tín dụng xí nghiệp nông nghiệp, Phân tích kinh tế xí nghiệp nông nghiệp, Công cụ tính và Toán Kinh tế.

Khi đó có người cho rằng để tương xứng với cách gọi các bộ môn khác thì Bộ môn Thống kê nên đổi tên là Bộ môn Thống – Kế - Kế - Tài – Phân – Cụ - Toán.

Chuyện các giáo viên tăng gia sản xuất

Nhớ hồi đi học, chúng tôi thấy các thầy có ruộng để tăng gia sản xuất. Nhiều hôm đi học nhìn thấy các thầy cuốc đất, tát nước, bón phân, thậm chí kéo bừa ở thửa ruộng tăng gia. Trong điều kiện cuộc sống vật chất khó khăn những năm 1978-1980, các thầy trường nông nghiệp còn có đất để tăng gia, nhiều thầy ở các trường nội thành còn phải làm nghề bơm mực bút bi, bán chè đỗ đen… Sinh viên thấy sự tương phản của các thầy trên giảng đường với cảnh làm nông vất vả - phần đông là chia sẻ thương cảm, thậm chí mến phục. Nhưng trong lòng thực sự vẫn khó chấp nhận cái cảnh những viễn tưởng về chế độ XHCN mà các thầy tung hê trên bài giảng với những giọt mồ hôi trên trán các thầy trẻ kéo bừa (thay trâu)…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[2] Nay Học viện Nông nghiệp Việt Nam có giảng đường mang tên Nguyễn Đăng

[3] Do Thầy được cử đi nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Từ 1964-1968 Thầy Chu Hữu Quý làm quyền Trưởng Khoa.

[6] Sau này Thầy Toán chuyển qua Viện Kinh tế Nông nghiệp Bộ Nông nghiệp

[7] Thầy Phan Trọng Đỉnh tôi đã có thông tin ở bài trước

[8] Thầy Trương Xuân Ngô sau này chuyển vào Nam công tác

[9] Bộ môn Thống kê có nhiều lần tách ra thành các Bộ môn khác